Sáng 6/9 (giờ Thụy Điển), tại Stockholm, Thụy Điển, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với bà Karin Svanborg-Sjövall, Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa Thụy Điển.
Dự buổi làm việc về phía Bộ VHTTDL Việt Nam còn có bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; bà Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo; bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc; ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Cảm ơn Bộ Văn hóa Thụy Điển đã dành thời gian đón tiếp và làm việc với đoàn Bộ VHTTDL Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết Thụy Điển là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Bộ VHTTDL Việt Nam rất coi trọng việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác văn hóa với Thụy Điển. Trong chuyến công tác lần này, đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các hoạt động biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, triển lãm nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với Thụy Điển, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân hai nước.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, với lịch sử hợp tác lâu dài giữa hai nước, văn hóa Thụy Điển luôn được người dân Việt Nam quan tâm và theo dõi kỹ. Tuy có sự khác nhau về vị trí địa lý, khác biệt về văn hóa nhưng Việt Nam rất mong muốn nhận được sự hợp tác về văn hóa với Thụy Điển.
Đánh giá cao và trân trọng sự hỗ trợ của phía Thụy Điển đối với các dự án hợp tác về văn hóa-thông tin và các dự án hợp tác vùng trong lĩnh vực thư viện, quản lý di sản và bảo tàng, sân khấu, văn học,… Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Thụy Điển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách văn hóa, nâng cao năng lực trong quản lý văn hóa.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam hiện có nhiều Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và nhiều di tích quốc gia, bảo vật quốc gia quý, do đó việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất là rất cần thiết nhằm phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản và đảm bảo sự tiếp cận cho tất cả mọi người.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng đề nghị hai bên chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các thiết chế văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Đồng thời đề nghị Thụy Điển tiếp tục ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong đó có UNESCO, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ ứng cử và quản lý các di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO ghi danh. Cùng với đó, xem xét hỗ trợ các dự án đề xuất của Việt Nam trong việc thực hiện các Công ước của UNESCO.
Trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo văn hóa nghệ thuật giữa Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Học viện Âm nhạc Malmo (Đại học Lund, Thụy Điển) đã ký kết năm 2024 nhằm triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Thụy Điển trên lĩnh vực văn hóa, với trọng tâm về đào tạo nhân lực (cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, cán bộ “đầu đàn” các bộ môn nghệ thuật).
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, năm 2024 kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Bộ VHTTDL phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển với các chương trình biểu diễn nghệ thuật và triển lãm tại Stockholm tối 6/9 tại Nhà hát Musikaliska Kvarteret và chương trình nghệ thuật giao lưu tại Học viện Âm nhạc Malmo ngày 8/9. Thứ trưởng gửi lời mời bà Karin Svanborg-Sjövall, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thụy Điển và các cán bộ tham dự chương trình.
Chúc mừng 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bà Karin Svanborg-Sjövall, Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa Thụy Điển cho biết Việt Nam và Thụy Điển có lịch sử quan hệ hợp tác lâu đời, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa.
Bày tỏ vui mừng về những kết quả hợp tác văn hóa giữa hai nước thời gian qua, bà Karin Svanborg-Sjövall cho rằng, văn hóa là cầu nối của tất cả các quốc gia. Việt Nam và Thụy Điển có nhiều điểm chung để hợp tác phát triển văn hóa.
Bày tỏ sự tán đồng đối với các đề xuất của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, bà Karin Svanborg-Sjövall cho biết, bảo tồn di sản văn hóa cũng là một trong số những ưu tiên hàng đầu của Bộ Văn hóa Thụy Điển.
Theo bà Karin Svanborg-Sjövall, chúng ta không chỉ bảo tồn mà cần phát huy mạnh mẽ các giá trị di sản. Để làm được điều này cần có sự hỗ trợ lẫn nhau. “Phải có sự hỗ trợ lẫn nhau để không chỉ bảo tồn các di sản trong quá khứ mà còn phát huy giá trị các di sản ấy trong tương lai”, bà Karin Svanborg-Sjövall nói và cho biết sẽ căn cứ vào nguồn lực cụ thể để có sự ưu tiên hợp tác.
Đối với việc số hóa di sản, bà Karin Svanborg-Sjövall, bảo tàng Vasa của Thụy Điển đã áp dụng rất mạnh mẽ công nghệ số hóa để tái hiện toàn bộ các hiện vật không thể khai quật (do ảnh hưởng đến nguyên gốc). Thụy Điển mong muốn thông qua UNESCO để lan tỏa phương pháp này rộng rãi hơn nữa đến các quốc gia.
Chia sẻ các kinh nghiệm về phát triển văn hóa, bảo tồn di sản của Thụy Điển, bà Karin Svanborg-Sjövall cũng đánh giá rất cao chính sách phát triển du lịch dựa trên các tài nguyên văn hóa của Việt Nam. Bộ Văn hóa Thụy Điển mong muốn tìm hiểu, và nhận được sự chia sẻ, hợp tác từ phía Việt Nam trong việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch.
Theo bà Karin Svanborg-Sjövall, vấn đề phát triển bền vững là yêu cầu tối quan trọng ở các nước châu Âu, trong đó có Thụy Điển. Trong phát triển du lịch có yếu tố lợi nhuận, điều này khiến các di sản thiên nhiên thường rất dễ bị “tổn thương”. Vì vậy, để phát triển hài hòa, cân bằng các yếu tố là nhiệm vụ rất khó khăn.
Đánh giá cao các hoạt động trong chuyến công tác của Bộ VHTTDL sang Thụy Điển lần này, bà Karin Svanborg-Sjövall bày tỏ mong muốn mối quan hệ này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/thuc-day-hop-tac-van-hoa-viet-nam-thuy-dien-20240906195228505.htm