Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nêu bật một số nhiệm vụ, giải pháp ngành GD&ĐT Thủ đô đang và sẽ thực hiện trong năm học này.
Giáo dục Hà Nội tích cực đổi mới, sáng tạo
Năm học 2024 – 2025, Bộ GD&ĐT xác định chủ đề năm học là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, ngành GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch để thực hiện đổi mới, sáng tạo như thế nào, thưa ông?
– Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục dẫn đầu cả nước. Thực hiện chủ đề năm học 2024 – 2025 của Bộ GD&ĐT, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “đổi mới, sáng tạo”, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tăng cường tham mưu với lãnh đạo UBND TP tiếp tục thực hiện hiệu quả việc rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với đó, Sở tham mưu TP tăng cường bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục; kiên trì và quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là tại các quận trung tâm; quan tâm sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.
Đồng thời, Sở đề xuất TP chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tiến tới có từ 80% đến 85% số trường học đạt chuẩn vào năm 2025 như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP.
Để cụ thể hoá nhiệm vụ đổi mới, sáng tạo, ngành GD&ĐT Hà Nội thực hiện đổi mới các khung chương trình đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với giáo viên, coi trọng chất lượng đào tạo giáo viên ở những nơi còn khó khăn, nơi điều kiện kinh tế, văn hoá chưa phát triển (như các xã dân tộc, miền núi), giúp thầy cô có kiến thức vững vàng để truyền dạy cho học sinh.
Trong điều kiện số lượng giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu như hiện nay, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tiên phong thực hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo để nâng cao trình độ giáo viên, như mô hình “ngân hàng giáo viên” hay phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”. Các hoạt động này nhằm đưa thầy cô từ trường tốt đến trường chưa tốt, từ vùng nội thành đến ngoại thành để chia sẻ, trao truyền kinh nghiệm, từ đó kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các khu vực.
Ông có thể chia sẻ quy mô phát triển mạng lưới trường lớp của Hà Nội trong năm học 2024 – 2025?
– Năm học 2024 – 2025, Hà Nội có 2.913 trường học, gần 2,3 triệu học sinh với hơn 130.000 cán bộ giáo viên. Với sự quan tâm của Thành uỷ, HĐND, UBND TP, chương trình mục tiêu đầu tư cơ sở vật chất trường học trên địa bàn TP được thực hiện rất tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, TP có 39 trường thành lập mới, 16 trường được xây dựng, đi vào hoạt động trong năm học này. Tới đây, lãnh đạo TP, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư và các địa phương tăng cường giành quỹ đất ở các khu đô thị, khu đông dân cư và tại các huyện đang phát triển cho công tác xây dựng trường học (cả trường công và trường tư) để giúp các em học sinh có đủ chỗ học trong bối cảnh hiện nay.
Chú trọng đào tạo tiếng Anh cho giáo viên, học sinh
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT có đặt ra yêu cầu “từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”. Là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng GD&ĐT, Hà Nội thực hiện yêu cầu này như thế nào?
– Trước thềm năm học 2024 – 2025, ngành giáo dục Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, lộ trình từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Được sự đồng ý của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, ngày 26/8 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khai giảng lớp đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho 1.900 giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. Đây là hành trang, là tiền đề để các giáo viên học tập, nâng cao trình độ tiếng Anh của bản thân.
Sau khi được đào tạo nâng chuẩn, lực lượng này sẽ bổ sung vào nguồn đội ngũ giáo viên cốt cán của các trường, từ đó lan tỏa kinh nghiệm, phương pháp dạy- học tiếng Anh hiệu quả đến tất cả các trường học trên địa bàn TP.
Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai chắc chắn là hành trình dài, đầy khó khăn, thách thức, nhất là với địa phương có quy mô giáo dục lớn như Hà Nội. Tuy nhiên với khẩu hiệu “Từng bước đào tạo ra những học sinh là công dân toàn cầu, vừa giỏi kiến thức, vừa giỏi tin học và ngoại ngữ”, ngành giáo dục Thủ đô luôn tích cực kiếm tìm giải pháp nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên và học sinh. Trước mắt thực hiện mục tiêu nâng thứ hạng môn tiếng Anh so với các tỉnh, thành cả nước.
Ngành GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo, thành lập các CLB, đặc biệt CLB tiếng Anh (CLB 200+) gồm những thầy cô được đào tạo ngoại ngữ ở nước ngoài nhận trách nhiệm kèm cặp, giúp đỡ các thầy cô công tác ở vùng khó khăn, từ đó cùng nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Thời gian tới, không chỉ giáo viên tiếng Anh mà giáo viên các bộ môn khác cũng phải giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Do vậy, giáo viên các môn khác cũng dần được đào tạo và nâng chuẩn tiếng Anh. Về nội dung này, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục có phương án, từng bước thực hiện.
Năm học 2024-2025 có ý nghĩa đặc biệt khi Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua. Ngành GD&ĐT Hà Nội có kế hoạch gì để triển khai nội dung này?
– Sở GD&ĐT Hà Nội đã và sẽ tích cực, chủ động tham mưu UBND TP những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng phục vụ sự nghiệp phát triển GD&ĐT Thủ đô.
Ngày 27/8/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 2973/KH-SGDĐT triển khai thi hành Điều 22 Luật Thủ đô 2024 về phát triển GD&ĐT. Tại văn bản này, Sở GD&ĐT Hà Nội giao các phòng trực thuộc Sở theo chức năng, nhiệm vụ sẽ chủ trì tham mưu xây dựng 7 văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Điều 22 Luật Thủ đô.
Cũng trong năm học mới, cùng với việc phát triển quy mô, Hà Nội sẽ tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về GD&ĐT chất lượng cao.
– Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tap-trung-nang-cao-chat-luong-giao-duc-thu-do.html