Việt Nam ứng dụng gây tê ESP mổ tim hở đầu tiên trên thế giới
Mổ tim hở không đau bằng kỹ thuật gây tê ESP đã mở ra chương mới trong lĩnh vực gây mê – hồi sức, phẫu thuật tim, giúp người bệnh giảm đau tối đa, không cần dùng morphin như các phương pháp hiện nay.
Trước đây, khi mổ tim hở, bác sỹ luôn tiêm morphin liều cao (dạng thuốc giảm đau gây nghiện) vào tĩnh mạch; dùng thuốc kháng đông trước, trong và sau mổ… dễ dẫn đến các biến chứng ảo giác, suy hô hấp, nôn ói, tăng đau, đau mạn tính, buồn nôn, bí tiểu, lệ thuộc thuốc giảm đau, thuyên tắc huyết khối, suy tim sau mổ, tổn thương gan thận cấp… Do đó, y học cần thêm phương pháp giảm đau an toàn.
Mổ tim hở không đau bằng kỹ thuật gây tê ESP đã mở ra chương mới trong lĩnh vực gây mê – hồi sức, phẫu thuật tim, giúp người bệnh giảm đau tối đa, không cần dùng morphin như các phương pháp hiện nay. |
Năm 2016, lần đầu tiên thế giới công bố ứng dụng thành công kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống ESP (Erector Spinae Plane) không đau cho bệnh nhân đường tiêu hóa, do bác sỹ Mauricio Foreo (tại Toronto, Canada) thực hiện.
Dựa vào kỹ thuật này, năm 2017, giáo sư Philippe Macaire (người Pháp) và thạc sỹ bác sỹ Hồ Thị Xuân Nga (Khoa Gây mê Hồi sức, BVĐK Tâm Anh TP.HCM) cùng cộng sự đã nghiên cứu, áp dụng thành công trên bệnh nhân mổ tim hở tại Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong giới chuyên môn gây tê, trong mổ tim mà còn giúp nhiều bệnh nhân tim mạch được mổ an toàn hơn.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là nơi duy nhất tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật ESP này. Đến nay, bác sỹ Nga đã ứng dụng điều trị thành công cho 1.500 ca mổ tim không đau, giúp người bệnh tránh được những cơn đau mạn tính sau mổ và các biến chứng trên.
Với kỹ thuật này, bác sĩ đưa thuốc tê không chứa morphin thông qua ống thông catheter và bơm tiêm tự động vào khoang mặt phẳng cơ dựng sống người bệnh dưới hướng dẫn của máy siêu âm độ phân giải cao, nhiều đầu dò.
Nhóm cơ này chạy dọc song song với cột sống từ xương chẩm tới mào chậu, nằm cạnh cột sống và khoang cạnh sống, nơi có nhiều dây thần kinh xuất phát từ tủy sống đi ra chi phối các vùng cảm giác – vận động tương ứng, các hạch giao cảm cạnh sống.
Thuốc tác động lên các rễ thần kinh và hạch giao cảm, giúp ức chế dẫn truyền thần kinh về cảm giác đau đớn để giảm đau tối đa. Trường hợp phải dùng morphin, bác sĩ sẽ dùng liều thấp nhất và phối hợp thêm các thuốc khác nhưng hiện tại đây cũng chưa dùng morphin cho người bệnh.
Bác sỹ không tiêm trực tiếp vào trục thần kinh như tê ngoài màng cứng hay tê tủy sống nên không gây tổn hại và nguy cơ chảy máu, tụ máu, chèn ép tủy ở người bệnh đang sử dụng thuốc kháng đông.
Người bệnh giảm đau trong và sau phẫu thuật, rút ngắn thời gian hồi sức tích cực; không bị biến chứng tụ máu, tụt huyết áp, suy hô hấp, ngộ độc thuốc tê… Bệnh nhân vận động nhanh và hồi phục sớm.
Mức độ đau sau rút ống nội khí quản, khi vận động và rút ống dẫn lưu đều chỉ ở mức rất nhẹ (từ 0 đến 1,2 điểm theo thang VAS – thang điểm dùng để xác định cường độ đau). Theo bác sỹ Nga, gây tê mặt phẳng cơ dựng sống giúp 96% người bệnh mổ tim không đau sau mổ và tránh được những cơn đau mạn tính.
Như trường hợp bà N.T.V. (71 tuổi, TP.HCM) mắc bệnh tim, hẹp trên 90% thân chung động mạch và cả 3 nhánh động mạch vành (động mạch vành phải, động mạch vành liên thất trước, động mạch vành mũ). Nếu không phẫu thuật điều trị, “ngã ba” thân chung có nguy cơ tắc hoàn toàn, ngăn máu đến nuôi tim, bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim và tử vong.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quyết định phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành cho bà V.
Đây là cuộc phẫu thuật mổ hở vùng lồng ngực, can thiệp động mạch, có mức độ đau nặng nề, cần thực hiện gây tê mặt phẳng cơ dựng sống ESP giúp giảm đau trong mổ, hạn chế dùng morphin sau mổ. Nếu người bệnh không được kiểm soát đau hiệu quả trong khi mổ sẽ dễ gặp biến chứng tăng huyết áp, nhịp tim, chảy máu… nguy hiểm tính mạng.
Dưới hướng dẫn của máy siêu âm thần kinh – mạch máu nhiều đầu dò, bác sỹ Nga luồn catheter (ống thông) đưa thuốc tê không chứa morphin vào khoang mặt phẳng cơ dựng sống (nhóm cơ ở lớp cơ giữa vùng lưng, chạy dọc từ xương chẩm tới xương cùng).
Bác sỹ Dũng rạch da, cưa dọc giữa toàn bộ xương ức, bóc tách động mạch ngực. Ê kíp tiếp tục bóc tách đoạn tĩnh mạch hiển cẳng chân, tạo nhiều cầu nối qua đoạn mạch bị hẹp đưa máu đến nuôi tim.
Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng, xâm lấn xương và vùng ngực nhưng khi tỉnh dậy, bà V. chỉ đau nhẹ ở mức 0 – 1 (theo thang điểm VAS), ngủ ngon, tình trạng mạch, huyết áp trong giới hạn bình thường, không gặp bất kỳ biến chứng nào. Một ngày sau mổ, bà ngồi dậy, hít thở sâu. Bác sỹ đánh giá cầu nối đưa máu đến nuôi tim thông suốt. Dự kiến, bà V. xuất viện sau 3 ngày.
BVĐK Tâm Anh TP.HCM cũng ứng dụng kỹ thuật gây tê ESP vào những ca mổ tim cho trẻ em, trẻ sơ sinh. Như trường hợp em N.H.T. ở TP.HCM bị tự kỷ và thông liên nhĩ (lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ của tim). Em 7 tuổi, nặng 18kg (trẻ bình thường nặng khoảng 22 – 24kg). Bé cần được phẫu thuật tim hở để điều chỉnh bất thường bẩm sinh để tránh các biến chứng: suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ…
Với phẫu thuật tim hở ở trẻ em, nếu sử dụng phương pháp gây mê đa mô thức truyền thống, bệnh nhi có nguy cơ đau quá sức chịu đựng, tác động lên mạch, huyết áp khiến cuộc mổ khó khăn hơn.
Đồng thời, với trẻ bị tự kỷ, sử dụng giảm đau cổ điển có morphin khiến thần kinh vốn nhạy cảm của trẻ bị ảnh hưởng, dẫn tới quá trình hồi phục chậm và đau đớn. Bác sỹ Nga sử dụng kết hợp gây mê nội khí quản và gây tê mặt phẳng cơ dựng sống. Sau đó, ê kíp mổ mở đường mổ trước ngực, dùng miếng vá từ chính màng ngoài tim của bé để bít lỗ thông lớn này.
Ca phẫu thuật thành công sau 3 tiếng. Một ngày sau ca mổ, T. vận động như bình thường, ngủ ngon, ăn khỏe; xuất viện sau ba ngày và trở lại trường học như bạn đồng lứa. 6 tháng sau, T. cao hơn, nặng 23 kg, tham gia hoạt động cùng các bạn trong lớp.
Tiến sỹ bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch cho biết, phẫu thuật tim hở là mổ vào trong quả tim, dùng trong các trường hợp dị tật tim bẩm sinh, bệnh động mạch vành, bệnh van tim…
Kỹ thuật gây tê ESP giúp nhiều người bệnh tim mạch khi mổ tim hở, vốn có mức độ đau nặng nề sẽ giảm được cơn đau trong và sau mổ. Nếu người bệnh không được kiểm soát đau hiệu quả trong khi mổ sẽ dễ tăng huyết áp, nhịp tim, chảy máu… nguy hiểm tính mạng.
Ngay khi thành công kỹ thuật gây tê ESP trong mổ tim hở, năm 2018, bác sỹ Nga được mời chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội nghị gây tê vùng và giảm đau thế giới lần thứ 42 tại New York (Mỹ).
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học uy tín J Cardiothorac Vasc Anesth tháng 6/2019 và lọt top 10 bài được đọc và trích dẫn cho các nghiên cứu trong y giới.
Tháng 2/2022, trong chuyến tu nghiệp tại Cộng hòa Pháp, bác sĩ Nga đã trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn gây tê ESP trên bệnh nhân mổ tim hở cho các bác sĩ lĩnh vực gây mê hồi sức ở Bệnh viện George Pompidou (Paris, Pháp) nơi chị đang theo học về gây mê hồi sức ghép dụng cụ hỗ trợ thất trái, ghép tim.
Nghiên cứu của bác sĩ Nga đã được nhiều bác sỹ gây mê hồi sức trên toàn thế giới ứng dụng, giảng dạy cho sinh viên y khoa để nhiều người bệnh được hưởng lợi mổ tim không đau, hạn chế sử dụng morphin và các dẫn xuất của nó.
Năm 2023, tại Hội nghị ASA ở San Francisco, nghiên cứu của bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga được công nhận là một trong những tiền đề cho phương hướng phát triển nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật mới trong y khoa.
Bác sỹ Nga cho biết, hiện BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã ứng dụng rộng rãi kỹ thuật ESP trong phẫu thuật cột sống, cắt đại tràng, dạ dày do ung thư, phẫu thuật lõm ngực, tái tạo ngực bằng vạt cơ lưng rộng… và đang nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật này để giảm đau mạn tính như đau thần kinh sau zona; giảm đau cuối đời ở người bệnh ung thư…
Nguồn: https://baodautu.vn/viet-nam-ung-dung-gay-te-esp-mo-tim-ho-dau-tien-tren-the-gioi-d224227.html