Theo các bác sỹ, việc quản lý bệnh nhân suy tim ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như thiếu nguồn lực y tế, nhiều trường hợp kém tuân thủ điều trị, hệ thống quản lý chưa đồng bộ.
Bệnh nhân suy tim vẫn thiếu tuân thủ điều trị
Tại Việt Nam, việc quản lý bệnh nhân suy tim đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, các bệnh viện và cơ sở y tế còn thiếu thốn về nguồn lực, thiết bị và nhân lực để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng của bệnh nhân suy tim.
Việc quản lý bệnh nhân suy tim ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như thiếu nguồn lực y tế, nhiều trường hợp kém tuân thủ điều trị, hệ thống quản lý chưa đồng bộ. |
Kế đến, nhiều bệnh nhân và gia đình còn thiếu hiểu biết về suy tim, dẫn đến sự tuân thủ điều trị kém. Bên cạnh đó, hiện tại nước ta chưa có hệ thống quản lý bệnh nhân suy tim toàn diện và đồng bộ trên cả nước.
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, ước tính tỷ lệ mắc bệnh suy tim hiện tại trên toàn cầu là 2,4% dân số (khoảng 200 triệu dân). Và theo một báo cáo từ năm 2010, chi phí điều trị dành cho bệnh nhân suy tim vào khoảng 108 tỷ USD (60% chi phí trong đó là do nằm viện).
Đáng chú ý, số lượng bệnh nhân suy tim liên tục tăng, tỷ lệ tử vong cao. Có 10-15% tử vong sau 1 tháng phát hiện bệnh, 20-30% tử vong sau 1 năm.
Và sau 5 năm chẩn đoán, có đến 40-50% bệnh nhân không qua khỏi, cao hơn nhiều so với các bệnh lý ung thư thường gặp như ung thư vú (cao hơn 10%), ung thư máu (30%) và ung thư đại trực tràng (34%).
Các bác sỹ khuyến cáo, người bệnh suy tim cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo đúng liều lượng được yêu cầu hàng ngày và tái khám đầy đủ để được bác sỹ theo dõi và điều chỉnh thích hợp.Bên cạnh đó, cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Trên quy mô cả nước, để cải thiện tình hình quản lý bệnh nhân suy tim ở Việt Nam, một số giải pháp căn cơ có thể được áp dụng. Đầu tiên, cần xây dựng các mô hình chăm sóc phối hợp giữa bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng, để theo dõi và điều trị bệnh nhân suy tim một cách liên tục.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số, như sử dụng telemedicine, các ứng dụng di động và các thiết bị theo dõi từ xa để cải thiện việc quản lý bệnh nhân, giúp theo dõi tình trạng bệnh nhân một cách liên tục và điều chỉnh điều trị kịp thời.
Tăng cường đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế về những tiến bộ mới nhất trong điều trị suy tim, đồng thời nâng cao nhận thức của bệnh nhân và cộng đồng về căn bệnh này.
Nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân suy tim, cũng như phát triển các chương trình quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng.
Đồng thời, khuyến khích nghiên cứu về suy tim tại các trường đại học, viện nghiên cứu và hợp tác quốc tế, để phát hiện và ứng dụng các phương pháp điều trị mới.
TP. HCM: Người cao tuổi và nỗi lo bệnh mạn tính
Kết quả khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM cho thấy, tăng huyết áp và đái tháo đường vẫn là hai bệnh lý phổ biến nhất ở người cao tuổi hiện nay.
Sở Y tế TP.HCM đã cập nhật về tình hình sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn thành phố. Theo đó, tính đến thời điểm tháng 9/2024, TP.HCM đã khám sức khỏe cho 233.051 người cao tuổi, chiếm 19,5% tổng số người cao tuổi trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, dữ liệu khám sức khỏe người cao tuổi đã giúp ngành Y tế nhận diện được mô hình bệnh tật của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Quan trọng hơn, hoạt động khám sức khỏe sẽ cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào cho việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân.
Kết quả khảo sát cho thấy, tăng huyết áp và đái tháo đường vẫn là hai bệnh lý phổ biến nhất ở người cao tuổi. Cụ thể, có đến 57,6% số người được khám mắc bệnh tăng huyết áp và 23,3% mắc bệnh đái tháo đường.
Đáng lo ngại, tỷ lệ người cao tuổi mới được phát hiện mắc các bệnh này khá cao. Bên cạnh đó, các bệnh về hô hấp như hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng được ghi nhận với tỷ lệ đáng kể.
Hà Nội: Đáp ứng y tế phòng chống lụt bão tại các cơ sở
Đoàn kiểm tra giám sát công tác đáp ứng y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn số 1 của Sở Y tế do Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống cơn bão số 3 (bão Yagi) tại huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ.
Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức, Bệnh viện đã xây dựng các phương án triển khai ứng phó với cơn bão số 3; phân công lịch trực theo 3 cấp để chỉ đạo, đáp ứng công tác khám chữa bệnh, thường trực 24/24 giờ kịp thời cấp cứu người bệnh tại bệnh viện và sẵn sàng cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu; chuẩn bị phương án khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú chạy thận nhân tạo.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã kiểm tra, gia cố cửa sổ, cửa kính, mái tôn, khu vực nguy cơ mất an toàn cho người bệnh và cán bộ nhân viên; cắt tỉa cây xanh.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Năm cho biết, Trung tâm Y tế chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 3. Tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn huyện xây dựng phương án phòng chống lụt bão.
Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các trạm Y tế, phòng khám đa khoa theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3, chủ động ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; triển khai các biện pháp phòng chống gió lốc, ngập úng tại các trạm Y tế, khu vực trũng thấp.
Trung tâm Y tế sẵn sàng nhân lực, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc cấp cứu; đảm bảo trực cấp cứu 24/24 giờ tại trạm Y tế và phòng khám đa khoa sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân tại cơ sở và cấp cứu ngoài viện; triển khai công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực ngập úng trước, trong vào sau bão.
Tại huyện Chương Mỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ Dương Mạnh Hùng cho biết, Trung tâm đã phân công các kíp trực, 4 đội trực cấp cứu cơ động thường trực tại Trung tâm 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư hóa chất, phương tiện cấp cứu đáp ứng khi có tình huống xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.
Tổ chức tuyên truyền cho người dân, cán bộ y tế các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3, không được chủ quan, lơ là; phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện sẵn sàng cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân khi có yêu cầu.
Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ hiện có 250 bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú, Bệnh viện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, bố trí kíp trực cấp cứu thường trực 24/24 giờ. Ngoài ra, Bệnh viện đã thực hiện rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, cửa kính, cửa sổ, cửa chớp, phòng trên tầng cao gia cố chắc chắn; bố trí giường dự phòng sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.
Qua kiểm tra, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan lơ là, cần chủ động xây dựng các phương án, điều kiện tốt nhất đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân.
Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men để cấp cứu người bệnh; đảm bảo vật tư hoá chất khử khuẩn, phòng chống dịch và vệ sinh môi trường tại các điểm ngập úng khi nước rút.
Các đơn vị xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa các đơn vị và giữa ngành Y tế với người dân, kịp thời báo cáo Sở Y tế tình huống phát sinh để kịp thời xử lý.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội lưu ý, các Trung tâm Y tế cần có phương án bố trí địa điểm tạm thời cho các trạm Y tế tại vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng; kho vật tư hoá chất tại các Trung tâm Y tế cần bảo quản cẩn thận, để ở khu vực khô ráo, có giá kệ, đảm bảo đầy đủ quy trình vận hành phân loại theo quy định.
Để chủ động công tác ứng phó với cơn bão số 3, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra giám sát công tác đáp ứng y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị y tế trong Ngành.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-89-ty-le-tu-vong-do-suy-tim-ngay-cang-tang-d224355.html