Tám tháng năm 2024, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt gần 2,6 triệu lượt, cao hơn so với cả năm 2023, doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.600 tỷ đồng, cho thấy du lịch tỉnh đã có những định hướng phù hợp.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng đường vòng quanh hồ Núi Cốc để thu hút những dự án đầu tư du lịch quy mô lớn, xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng; tháo gỡ vướng mắc về đất đai để phát triển du lịch cộng đồng nhằm tăng cường thu hút khách du lịch, tăng tỷ trọng của ngành này trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Thu hút du khách bằng bản sắc
Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian vừa qua phát triển đột biến, mang lại những trải nghiệm thú vị, ấn tượng, được khách du lịch đánh giá cao bởi sự mộc mạc, dân dã, đậm đà văn hóa dân tộc.
Ðiển hình là làng Thái Hải ở xã Thịnh Ðức, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10 km, trong nhiều năm qua đã kiên trì, nỗ lực bảo tồn hơn 30 căn nhà sàn truyền thống; giữ gìn văn hóa, phong tục, tập quán, trang phục, sinh hoạt, ẩm thực lâu đời của dân tộc Tày và tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan, sinh thái để phát triển du lịch một cách bền vững, được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận là một trong 32 làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.
Chị Lê Thị Thủy, giảng viên đưa nhóm sinh viên nước ngoài đang học tập, nghiên cứu tại Khoa Quốc tế thuộc Ðại học Thái Nguyên trải nghiệm làng Thái Hải chia sẻ: “Vào đến khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc này, sinh viên từ nhiều nước vô cùng thích thú khi được hòa vào cuộc sống chậm của làng, bách bộ trên những tuyến đường xếp gạch nghiêng, dưới các hàng cây xanh mát, ngắm nhìn những ngôi nhà sàn truyền thống xinh xắn của dân tộc Tày; nếp sống mộc mạc, thuần khiết của người dân tộc Tày với trang phục truyền thống, thưởng lãm hát then, đàn tính thánh thót, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn từ núi rừng, làm cho các bạn cảm nhận văn hóa đặc sắc và sâu lắng của đồng bào”.
Vào dịp lễ, Tết, cuối tuần có khá đông khách, nhưng để gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, mỗi ngày, làng Thái Hải chỉ tiếp đón lượng khách nhất định.
Du lịch cộng đồng, nông thôn trên địa bàn ngày càng gắn kết chặt chẽ với văn hóa trà nhằm phát huy đa giá trị sản phẩm. Cách làng Thái Hải không xa, là điểm du lịch cộng đồng Tân Cương, bao gồm Không gian văn hóa trà Tân Cương, Hợp tác xã chè Hảo Ðạt và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè lân cận.
Tại đây, du khách sẽ trải nghiệm vùng đất được mệnh danh là “Ðệ nhất danh trà” với đồ pha trà qua các thời kỳ, sự phát triển của nghề chè, công cụ chế biến, đóng gói chè, thưởng thức các loại trà ngon, thả bộ ngắm nhìn những nương chè đẹp, xanh mướt trên những đồi chè san sát như bát úp, cảm nhận cuộc sống người làm chè, sự bình yên, giàu có của vùng chè nổi tiếng.
Theo Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Ðạt Ðào Thanh Hảo, hợp tác xã đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng không gian văn hóa trà Hảo Ðạt, bao gồm những căn nhà mang đậm phong cách của vùng trung du, nội thất phục vụ du khách thưởng trà, cải tạo những nương chè, không gian trải nghiệm thu hái, chế biến, đóng gói chè để phục vụ du khách. Qua đó, các giá trị của vùng chè được phát huy.
Dọc sườn đông dãy Tam Ðảo có khí hậu mát mẻ, trong lành, với sự hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên và huyện Ðại Từ, một số hợp tác xã, cá nhân ở các xã Là Bằng, Hoàng Nông đầu tư điểm du lịch cộng đồng để khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên, vùng cây ăn quả, vùng chè, văn hóa bản địa.
Ðến nay toàn tỉnh có 11 điểm du lịch cộng đồng được tỉnh công nhận, trong đó có điểm đầu tư hàng trăm tỷ đồng, công suất sử dụng các cơ sở lưu trú gần như đạt 100% vào các dịp cuối tuần và nghỉ lễ dài ngày.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết: “Nhận thức về du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà, văn hóa bản địa của các hợp tác xã, người dân có chuyển biến tích cực, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, các chủ thể này tự tổ chức đi tham quan, học tập phương pháp, cách làm của các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở nhiều tỉnh bạn để nâng cao chất lượng phục vụ”.
Với danh thắng hồ Núi Cốc và chuyện tình huyền thoại; gần 300 làng nghề, cảnh quan đẹp, hơn 200 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao; 550 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 1.000 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Ðịnh Hóa với 13 điểm di tích là nơi ở, làm việc của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo tiền bối, Trung ương Ðảng, Chính phủ đóng làm trụ sở trong kháng chiến được tôn tạo, bảo tồn gần như nguyên trạng, là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời là những sản phẩm du lịch có tính chất đặc thù để Thái Nguyên thu hút khách du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; sinh thái, nghỉ dưỡng; cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà.
Gần đây, tỉnh có hướng khai thác du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Tăng cường đầu tư, quảng bá
Sau đại dịch Covid-19, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch. Tỉnh cũng đã ban hành đề án, chính sách hỗ trợ đầu tư năm tỷ đồng đối với mỗi điểm du lịch cộng đồng nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực, các điều kiện cần thiết.
Thái Nguyên hiện đã thu hút đầu tư xây dựng hai sân golf đẳng cấp quốc tế trên địa bàn tỉnh, trong đó sân gôn Tân Thái gắn với cảnh quan hồ Núi Cốc sẽ được đưa vào sử dụng trong năm tới; bước đầu hình thành Hợp tác xã du lịch Tân Thái để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh gắn với du lịch nghỉ dưỡng hồ Núi Cốc và sân golf ở bên cạnh nhằm thu hút du khách.
Ðẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 vào ATK Ðịnh Hóa và thông sang di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang) nhằm liên thông điểm đến, tạo thuận lợi cho du khách đến với các di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa bản địa.
Tiến hành khảo sát hang động Mỏ Gà để có kế hoạch khai thác du lịch hang động này gắn với điểm du lịch cộng đồng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hang Phượng Hoàng-suối Mỏ Gà.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Nguyễn Thanh Bình, ngay từ sau đại dịch Covid-19, tỉnh đẩy mạnh toàn diện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Thái Nguyên để thu hút du khách trong và ngoài nước. Hằng năm tổ chức khai mạc mùa du lịch với nhiều hoạt động phong phú, có tính lan tỏa cao; mời các nhà báo về du lịch, đại diện các hãng lữ hành tham quan, trải nghiệm, khảo sát điểm đến để tuyên truyền, lập tour, tuyến, kết nối du lịch Thái Nguyên; phối hợp với một số tạp chí uy tín về du lịch và Hãng hàng không Vietnam Airlines quảng bá du lịch Thái Nguyên trên các chuyến bay nhằm thu hút khách quốc tế trong những tháng cuối năm; tổ chức hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch ở các thị trường du lịch trong nước… Cùng với tăng cường đầu tư điểm đến, thời gian qua du lịch Thái Nguyên thật sự khởi sắc, nhất là trong tám tháng năm 2024 khi lượng khách đến tỉnh đạt gần 2,6 triệu lượt, cao hơn lượng khách cả năm 2023 và gần bằng năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, các hãng lữ hành, tỷ lệ khách quay trở lại Thái Nguyên trải nghiệm và dự kiến trở lại là khá cao, cho thấy sự hài lòng đối với chất lượng điểm đến, nhất là môi trường du lịch, chất lượng phục vụ.
Cùng với việc huy động nguồn lực đầu tư tuyến đường vòng quanh hồ Núi Cốc dài khoảng 40 km, tỉnh cũng tập trung quy hoạch các khu, phân khu để thu hút đầu tư, xây dựng hồ Núi Cốc là khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch quốc gia theo quy hoạch của Chính phủ.
Trước mắt, tỉnh và các nhà đầu tư phấn đấu đưa một số sân golf vào sử dụng từ năm 2025; tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, chuyển đổi các loại đất khác sang đất phục vụ dịch vụ du lịch cộng đồng, triển khai đồng bộ các giải pháp về đầu tư phát triển cả bốn loại hình du lịch để đến năm 2030 tỷ trọng du lịch-dịch vụ-thương mại của tỉnh chiếm 40%, tăng 10% so với hiện nay trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Nguồn: https://nhandan.vn/khoi-sac-du-lich-thai-nguyen-post828348.html