Đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá
Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bắt đầu triển khai thực hiện từ năm học 2020 – 2021. Theo lộ trình, sau 5 năm, chương trình mới sẽ được triển khai cuốn chiếu hết cả 3 cấp học với tất cả các khối lớp. Chương trình được kỳ vọng sẽ phát huy năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh.
Là điểm trường thuộc vùng khó khăn của tỉnh Lào Cai nhưng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS Pa Cheo rất tích cực triển khai chương trình GDPT mới. Những tiết học của thầy và trò tại ngôi trường này luôn diễn ra trong không khí hào hứng, tươi vui.
Theo các giáo viên công tác tại đây, sự chuyển biến tích cực này đến từ thay đổi trong cách dạy của giáo viên, cách học của học sinh. “Việc đổi mới chương trình GDPT khiến hoạt động giảng dạy giữa thầy và trò có nhiều thay đổi tích cực. Học sinh được trải nghiệm cách học hoàn toàn mới mẻ, không cần học tủ, học vẹt, thay vào đó các em có thể thỏa sức sáng tạo. Thầy cô đóng vai trò là người hướng dẫn và tổng kết vấn đề, hạn chế tình trạng đọc chép, truyền thụ kiến thức thụ động” – cô Nguyễn Thị Thủy – giáo viên môn Ngữ văn, Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo cho biết.
Cô Nguyễn Thị Thủy cho biết – hiện tại trường đang thực hiện giảng dạy theo các bộ sách giáo khoa mới gồm: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều. Bên cạnh đó, học sinh được học những môn học hoàn toàn mới như: Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
“Chương trình học mới, môn học mới, đòi hỏi chúng tôi phải đổi mới cách giảng dạy, các hoạt động học tập cũng như các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Những ngày đầu, cả thầy và trò đều gặp khó khăn bởi quen với cách học cũ, cơ sở vật chất cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu môn học. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn, tập huấn đầy đủ, các thầy cô cũng dần làm quen và hướng dẫn được học sinh của mình hòa nhập” – cô Thủy cho hay.
Cũng theo cô Thủy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên thi theo chương trình GDPT 2018. Với môn Ngữ văn, các ngữ liệu trong đề thi lấy ngoài sách giáo khoa, vì vậy, việc học thuộc, học theo mẫu gần như không còn tác dụng.
Học sinh bắt buộc phải học và nắm rõ các dấu hiệu nhận biết, đặc trưng của thể loại để có thể vận dụng khi làm bài thi. Việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá lúc này sẽ giúp học sinh nắm bắt được chắc chắn kiến thức đồng thời vận dụng giải quyết những bài tập thực tế.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Đỗ Thị Thu Nga – giáo viên Trường THPT Tháng 10 (Tuyên Quang) cho rằng – việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh là điều cần thiết.
“Đổi mới kiểm tra thể hiện ở việc học sinh không cần kiểm tra miệng hay thực hiện các bài kiểm tra cứng nhắc. Thay vào đó, tùy từng môn học, các em sẽ thực hiện thuyết trình, dự án sáng tạo.
Thông qua quá trình đó, tôi nhận thấy học sinh hứng thú hơn rất nhiều. Các bài tập nộp về có tính sáng tạo cao, thể hiện góc nhìn mới mẻ. Học sinh tự tin, chủ động, sáng tạo hơn” – cô Nga cho biết.
Tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá
Những năm gần đây, hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh có nhiều thay đổi, nổi bật là giảm áp lực, phát huy tối đa năng lực học sinh. Song vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa thực hiện triệt để và đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo nhiều giáo viên, để xây dựng các bài kiểm tra tương đối khó bởi cần đáp ứng yêu cầu đổi mới như tích hợp liên môn, kết hợp lý thuyết với thực hành, gắn với các vấn đề thời sự của địa phương, đất nước; kết hợp tự luận và trắc nghiệm; xây dựng ngân hàng đề kiểm tra với 4 cấp độ: Nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao.
Điều này đòi hỏi các thầy cô phải liên tục nâng cao chuyên môn nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thêm nữa, học sinh quen với hình thức kiểm tra miệng, viết dưới 1 tiết, nên kỹ năng hợp tác, tính tự giác, chủ động chưa cao.
Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM – để đánh giá thành tích học tập của học sinh nên chú ý vào cả quá trình học tập.
“Các cơ sở giáo dục từ trung học phổ thông đến đại học cần triển khai các phương pháp đánh giá mới. Bỏ đi các kỳ thi cứng nhắc, thay vào đó là các dự án, bài tập lớn, đánh giá liên tục trong quá trình học. Làm thế nào để hình thành các kỹ năng như tự học suốt đời, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, sáng tạo và tạo thói quen tự học, tự nghiên cứu cho người học.
Khi tiến hành đánh giá, học sinh phải đánh giá toàn diện cả quá trình học tập, không chỉ dựa vào kết quả điểm thi” – PGS.TS. Đỗ Văn Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, để thực hiện có hiệu quả đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá cần tiến hành nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng và số lượng giáo viên. Một lớp học đông đúc, thiếu những thiết bị cơ bản phục vụ quá trình học tập thì kiểm tra, đánh giá cũng khó thực hiện.
“Cần phải đồng loạt thay đổi từ tiểu học, trung học đến đại học, kèm theo cải thiện cơ sở vật chất, tăng số lượng giáo viên, đào tạo giáo viên, xây dựng hệ thống hỗ trợ giảng dạy.
Nếu không có những thay đổi căn bản này, chất lượng của học sinh, sinh viên không thể đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Vì vậy, việc cải cách phương pháp kiểm tra, đánh giá được xem là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của xã hội” – PGS.TS. Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.
Thực hiện tốt nhiệm vụ năm học “về đích”
Ngành Giáo dục xác định, năm học 2024 – 2025 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 với nhiều giải pháp, nhiệm vụ lớn. Trong đó, đổi mới thi cử, tiến tới giảm áp lực, đánh giá đúng trình độ của học sinh là bước đột phá.
Năm học 2024 – 2025 sẽ là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo chương trình mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chuẩn bị để ban hành hướng dẫn cho các địa phương thực hiện, với quan điểm chung là quy định về nguyên tắc, tạo khung để thống nhất trong quản lý, chỉ đạo trên toàn quốc; đồng thời phân cấp cho các địa phương tổ chức phù hợp với thực tế.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái – Tổng chủ biên môn Toán bộ sách “Cánh diều” – nhận định, Chương trình GDPT 2018 yêu cầu người học phải đáp ứng các mục tiêu về năng lực, phẩm chất; định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho các em và giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Rất nhiều năm, chúng ta thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT với dạng thức đề thi mới, giáo viên cần tìm hiểu những định hướng của ngành để chuẩn bị, đáp ứng cho các em học sinh tốt nhất” – GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho biết.
Về vấn đề này, TS. Vũ Việt Anh – chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng – để đánh giá được năng lực của học sinh, cần phải có cách kiểm tra và đánh giá phù hợp.
“Trong bối cảnh giáo dục phổ thông đang có nhiều đổi mới, các trường học cũng cần phải đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Có thể chuyển từ kiểm tra giấy sang kiểm tra thực hành, kiểm tra sản phẩm, kiểm tra dự án, kiểm tra đồng đội… Điều này không chỉ giúp đánh giá được một cách toàn diện và chính xác năng lực của học sinh, mà còn góp phần khuyến khích các em học tập tích cực, sáng tạo và chủ động hơn” – TS. Vũ Việt Anh nhấn mạnh.
Nguồn: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/kien-tri-muc-tieu-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-1390047.ldo