Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay có 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 282.826 người đã thực hiện kê khai tài sản; có 2.518 người được xác minh việc kê khai, 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Năm 2023, có 16.351 người được xác minh tài sản thu nhập, 19 người bị kết luận không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật.
Con số được nêu ra như vậy, nhưng còn nhiều hoài nghi về tính chính xác của nó.
Ngày 6.9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14 cho ý kiến, thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2024. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy, nhiều trường hợp cán bộ sau khi cơ quan CSĐT khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.
Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Đây là những nhận định khách quan, chỉ cần đưa ra hai trường hợp đình đám mới đây, sẽ thấy chỉ khi phát sinh vụ án thì mới lộ ra tài sản của cán bộ, quan chức. Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Giang Hương, cựu Chủ tịch huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật vì “Kê khai tài sản không trung thực”, sau khi lộ vụ bị lừa 171 tỉ đồng. Cựu Bí thư Bến Tre cũng bị kỷ luật vì kê khai tài sản không trung thực.
Còn bao nhiêu người kê khai tài sản không trung thực là câu hỏi không dễ trả lời.
Một chuyện khác đáng để băn khoăn, theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 1 trường hợp ở Khánh Hòa nộp lại quà với số tiền 3,6 triệu đồng, đó là ông Trần Văn Phương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Nghĩa 2, thành phố Cam Ranh.
Nhưng đây không phải là tự nguyện, mà bị phát hiện, phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Khai báo tài sản, thu nhập trung thực sao được khi đồng tiền tích lũy đó có từ tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ. Cho nên, phòng chống tham nhũng là ngăn chặn không để xảy ra tham nhũng, kê khai tài sản để chống tham nhũng chỉ là một biện pháp hỗ trợ. Có những quy định đề ra chỉ để người tốt chấp hành, còn người xấu không thể tự khai báo vi phạm của mình.
Đã là người liêm chính thì không nhận hối lộ, không tham nhũng. Họ từ chối những món quà hối lộ ngay từ đầu, có đâu mà phải mang đi giao nộp lại.
Chiếc đồng hồ Patek Philippe và chiếc Mercedes của cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ là ví dụ đó thôi.
Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/con-mec-cua-le-duc-tho-va-con-so-ke-khai-tai-san-trung-thuc-1390536.ldo