Những điều cần biết về căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao Top 3
Theo số liệu cập nhật năm 2022 của GLOBOCAN, ung thư dạ dày có tỷ lệ mắc và tử vong cao thứ 5 thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong của ung thư dạ dày chỉ sau ung thư gan và phổi.
Việc đưa ra kế hoạch điều trị còn tùy thuộc từng trường hợp người bệnh cụ thể (điều trị cá thể hóa). Ngoài giai đoạn bệnh, việc lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm đặc điểm khối u (vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn…).
Với người mắc ung thư dạ dày, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. |
Kết quả giải phẫu bệnh và đột biến gen của ung thư. Khả năng đáp ứng điều trị, thể trạng, bệnh lý đi kèm, tâm lý và nguyện vọng của người bệnh…
Hiện nay, các hướng dẫn điều trị ung thư của Bộ Y tế và các Hiệp hội Ung thư trên thế giới đều nhấn mạnh vai trò của việc phối hợp nhiều phương pháp (điều trị đa mô thức) trong điều trị ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng.
Theo các bác sỹ, có 6 phương pháp điều trị ung thư dạ dày, trong đó phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị ung thư dạ dày. Nếu bệnh ở giai đoạn sớm, chưa di căn xa, phẫu thuật thường là phương pháp chủ đạo được sử dụng.
Phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí, mức độ phát triển của ung thư trong dạ dày mà bác sỹ sẽ đề nghị các phương thức phẫu thuật phù hợp nhất.
Phương pháp thứ hai là nội soi can thiệp cắt bóc tách dưới niêm mạc (Endoscopic submucosal dissection – ESD): Đây là kỹ thuật can thiệp tối thiểu trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm, khi ung thư chỉ mới xuất hiện trên niêm mạc dạ dày.
Phương pháp này ít xâm lấn, giúp bảo tồn gần như toàn vẹn đường tiêu hóa, thời gian hồi phục nhanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày: Bác sỹ phẫu thuật cắt đi một phần của dạ dày, các hạch bạch huyết lân cận cũng được lấy đi để chặn nguy cơ tế bào ung thư di căn.
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày: Bác sỹ phẫu thuật sẽ lấy đi toàn bộ dạ dày, các hạch bạch huyết lân cận, mạc nối nhỏ và các cơ quan xung quanh bị khối u xâm lấn. Sau đó, bác sỹ sẽ nối thực quản trực tiếp với ruột non.
Phẫu thuật giảm nhẹ: Trong trường hợp ung thư dạ dày không thể phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn, can thiệp ngoại khoa được đặt ra nhằm mục đích giảm nhẹ biến chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Một số phẫu thuật giảm nhẹ thường được chỉ định như: phẫu thuật nối tắt vị tràng, đặt stent dạ dày, mở dạ dày ra da nuôi ăn,…
Phương pháp điều trị bằng hóa chất được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư dạ dày, có thể được sử dụng như một liệu pháp điều trị trước hoặc sau phẫu thuật.
Hóa trị trước phẫu thuật giúp giảm giai đoạn ung thư, thu nhỏ khối u, giúp phẫu thuật diễn ra dễ dàng, hiệu quả hơn. Hóa trị sau phẫu thuật giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật cũng như ngăn cản ung thư tái phát sau điều trị.
Hóa trị là phương pháp điều trị chính nếu ung thư đã lan rộng (di căn) đến các cơ quan khác trong cơ thể hoặc không thể loại bỏ bằng phẫu thuật. Lúc này, hóa trị giúp thu nhỏ khối u, làm chậm sự phát triển, giảm các triệu chứng của ung thư và kéo dài thời gian sống của người bệnh.
Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với bệnh ung thư dạ dày, xạ trị được chỉ định trong các trường hợp sau:
Trong một số trường hợp ung thư giai đoạn sớm, xạ trị kết hợp với hóa trị (hay còn được gọi là hóa xạ đồng thời) nhằm thu nhỏ khối u và giúp phẫu thuật có thể thực hiện được dễ dàng hơn.
Sau phẫu thuật, xạ trị kết hợp với hóa trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư không thể cắt bỏ hết sau phẫu thuật.
Trường hợp ung thư không thể phẫu thuật được, xạ trị có thể được chỉ định giúp giảm nhẹ triệu chứng (đau, chảy máu,…), nhằm nâng cao chất lượng sống của người bệnh.
Liệu pháp nhắm đích (điều trị đích) là phương pháp điều trị ung thư bằng các loại thuốc có thể xác định và tấn công chính xác vào các tế bào ung thư.
Liệu pháp này có cơ chế hoạt động khác với các loại thuốc hóa trị, đôi khi thuốc điều trị đích có hiệu quả tốt hơn so với hóa trị. Các loại thuốc được dùng trong điều trị đích thường được truyền qua tĩnh mạch hoặc có thể được sử dụng ở dạng uống.
Theo các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, một số loại thuốc điều trị đích phổ biến dùng trong điều trị ung thư dạ dày bao gồm thuốc nhắm vào thụ thể HER2: Ở một số người bị ung thư dạ dày, tế bào ung thư có rất nhiều thụ thể HER2 trên bề mặt (ung thư dương tính với HER2).
Các loại thuốc nhằm vào thụ thể HER2 giúp ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và tiêu diệt chúng. Thuốc nhắm vào HER2 phổ biến là Trastuzumab (Herceptin).
Thuốc nhắm vào VEGF: VEGF là protein ra lệnh cho các tế bào tạo ra mạch máu mới để lấy máu và dinh dưỡng nuôi khối u ung thư. Thuốc Ramucirumab là một loại kháng thể đơn dòng liên kết với thụ thể VEGF, ngăn VEGF liên kết với các tế bào để tạo ra mạch máu mới.
Liệu pháp miễn dịch sử dụng chính hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch PD-1 (Programmed Death-1) có thể được sử dụng đồng thời với hóa trị trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn di căn.
Chăm sóc giảm nhẹ kết hợp nhiều phương pháp chăm sóc, hỗ trợ và điều trị giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm các triệu chứng ung thư của người bệnh.
Chăm sóc giảm nhẹ có thể được áp dụng cho tất cả người bệnh ung thư từ khi mới nhận được chẩn đoán, trong quá trình điều trị và đặc biệt trong trường hợp người bệnh giai đoạn cuối, khi ung thư đã không thể chữa dứt điểm được nữa.
Bên cạnh chăm sóc người bệnh, chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp gia đình người bệnh giảm bớt áp lực về tinh thần. Một số mục tiêu chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư có thể kể đến như:
Giảm đau, giảm nhẹ các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. Hỗ trợ về mặt tinh thần cho người bệnh và gia đình. Hỗ trợ về mặt xã hội cho người bệnh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Giúp người bệnh và gia đình chuẩn bị tinh thần đối mặt với kết quả điều trị không khả quan.
Chăm sóc giảm nhẹ rất quan trọng và có ý nghĩa đối với các người bệnh giai đoạn trễ, không còn khả năng điều trị. Thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư dạ dày
Thử nghiệm lâm sàng là nghiên cứu về các loại thuốc, quy trình và phương pháp điều trị mới. Thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư có thể sử dụng những loại thuốc mới (như liệu pháp nhắm đích, liệu pháp miễn dịch), hoặc những phương pháp mới đã được cấp phép sử dụng trên cơ thể người.
Tuy nhiên, người bệnh được điều trị thử nghiệm phải chấp nhận một số rủi ro nhất định. Ví dụ, người bệnh có thể phải chịu tác dụng phụ của phương pháp điều trị mới, hoặc kết quả điều trị không tốt như kỳ vọng.
Hiện nay, các hướng dẫn điều trị ung thư từ Bộ Y tế và các Hiệp hội Ung thư trên thế giới đều nhấn mạnh vai trò của việc phối hợp nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… (còn gọi là điều trị đa mô thức), nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị.
Việc bác sỹ lựa chọn cách điều trị ung thư dạ dày nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giai đoạn của ung thư; Vị trí, kích thước, tính chất của khối u trong dạ dày.
Kết quả giải phẫu bệnh và đột biến gen. Tổng trạng của người bệnh và các bệnh lý đi kèm. Nguyện vọng của người bệnh và gia đình. Tác dụng phụ của việc điều trị ung thư dạ dày
Mỗi phương pháp điều trị ung thư dạ dày đều có thể mang lại những tác dụng phụ riêng. Ung thư được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng dễ dàng, người bệnh cũng ít gặp các biến chứng và tác dụng phụ hơn.
Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày: Tác dụng phụ nổi bật nhất là hội chứng Dumping trong thời gian đầu sau phẫu thuật với các triệu chứng: Đau bụng; tiêu chảy; buồn nôn; mệt mỏi; chóng mặt.
Nhịp tim nhanh. Nguyên nhân gây ra hội chứng Dumping là do cơ thể chưa quen với việc thức ăn di chuyển xuống ruột quá nhanh. Phần dạ dày được cắt bỏ càng lớn thì khả năng người bệnh mắc hội chứng Dumping càng cao. Hội chứng có thể kéo dài nhiều tháng trước khi cơ thể quen với việc thiếu dạ dày.
Những người bị cắt dạ dày được khuyến khích chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày và nên ăn các thức ăn dễ tiêu hóa.
Điều trị toàn thân (bao gồm hóa trị, liệu pháp nhắm đích, liệu pháp miễn dịch) có thể gây nên một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, rụng tóc, loét miệng, da trở nên nhạy cảm và mệt mỏi.
Về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, theo các chuyên gia người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
Nên ăn các thực phẩm giàu protein, cung cấp protein để cơ thể tái tạo các tế bào và mô trong cơ thể. Một số nguồn đạm an toàn, được khuyến khích gồm thịt gà, cá, trứng và các loại protein có nguồn gốc thực vật.
Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nguồn năng lượng và chất xơ, một số loại ngũ cốc tốt có thể tham khảo là yến mạch, bánh mì nguyên cám, gạo lứt,…
Bổ sung trái cây trong thực đơn giúp cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể. Bổ sung nguồn chất béo tốt, hạn chế các thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ.
Hạn chế các thực phẩm nhiều đường, đồ ngọt như bánh, kẹo, nước nước ngọt… Hạn chế sử dụng bia, rượu, các loại nước ngọt, các loại thức uống có nhiều đường, hóa chất.
Nguồn: https://baodautu.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-can-benh-ung-thu-co-ty-le-mac-cao-top-3-d224024.html