Theo đó, tránh ánh sáng mạnh vào ban đêm có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh tiểu đường loại 2, theo chuyên trang khoa học Scitech Daily.
Nhằm tìm hiểu xem liệu các kiểu tiếp xúc với ánh sáng cá nhân có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay không, các nhà khoa học từ Đại học Flinders (Úc) đã sử dụng dữ liệu y tế của khoảng 85.000 người từ Ngân hàng sinh học Anh UK Biabank và khoảng 13 triệu giờ dữ liệu cảm biến ánh sáng.
Những người tham gia không mắc bệnh tiểu đường khi bắt đầu nghiên cứu, được đeo thiết bị theo dõi mức độ tiếp xúc với ánh sáng trong suốt cả ngày và đêm.
Sau đó, họ được theo dõi trong 9 năm tiếp theo để quan sát xem họ có tiếp tục mắc bệnh tiểu đường loại 2 hay không.
Kết quả cho thấy tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm, nhất là từ 00 giờ 30 đến 6 giờ, có thể phá vỡ nhịp sinh học, dẫn đến những thay đổi trong quá trình tiết insulin và chuyển hóa glucose, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, tác giả chính, phó giáo sư Andrew Phillips từ Trường Y khoa và y tế công cộng thuộc Đại học Flinders (Úc), cho biết.
Và tiếp xúc với ánh sáng càng mạnh thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao.
Phó giáo sư Andrew Phillips lưu ý: Kết quả cho thấy giảm tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm và duy trì môi trường tối có thể là cách dễ dàng và rẻ tiền để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu năm 2022 cũng cho thấy tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trong khi một nghiên cứu năm 2023 cũng chỉ ra rằng ngủ bật đèn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và huyết áp cao ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lưu ý ngoài việc tránh ánh sáng vào ban đêm, để ngăn ngừa bệnh tiểu đường, cần kết hợp với chế độ ăn uống, tập thể dục và có lối sống tốt.
Nguồn: https://thanhnien.vn/cac-nha-khoa-hoc-tim-ra-cach-don-gian-tranh-benh-tieu-duong-18524090718241059.htm