Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.
Ngày nay, thị trường với nhiều đồ chơi nhập ngoại, những chiếc lồng đèn truyền thống dần bị lãng quên nhưng nghệ nhân Trần Thanh Tùng vẫn giữ gìn nghề làm đèn ông sao. Trong ngày 7-9, ông Tùng được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi mời về hướng dẫn cho hơn 200 em học sinh làm lồng đèn truyền thống trong chương trình giáo dục, trải nghiệm “Vẽ tranh, làm lồng đèn cùng nghệ nhân”. Qua đây, học sinh biết thêm về câu chuyện của người nghệ nhân giữ nghề truyền thống.
Nguyên vật liệu làm đèn ông sao khá đơn giản, gồm tre nứa, giấy bóng kính màu, keo dán, dây thép, cây đay làm cán. Để làm một chiếc đèn ông sao phải trải qua nhiều công đoạn. Ông Tùng cho biết, ngày xưa phải đi mua tre nứa về, chia thành các đoạn rồi ngâm dưới ao để đảm bảo độ dẻo, nhẹ, cong mà không bị gãy khi uốn chiếc lồng đèn. Cây đay làm cán phải được nhuộm màu, phơi nhiều nắng để vừa nhẹ vừa đẹp. “Ngày xưa, keo dán cũng được làm bằng cách truyền thống từ bột gạo, còn bây giờ dùng keo dán công nghiệp”, ông kể.
Ông Tùng tỉ mỉ chỉ dạy các em nhỏ uốn nắn từng thanh tre để làm một chiếc lồng đèn ông sao. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn các em làm lồng đèn trống, lồng đèn tròn…
Ông Tùng chia sẻ: “Tôi là truyền nhân thứ 3 làm lồng đèn truyền thống trong gia đình. Không gắn pin, không tiếng nhạc vui tai nhưng những chiếc lồng đèn được làm thủ công vẫn có sức hút riêng. Với tôi, gắn bó với nghề làm lồng đèn giấy kính không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn mang lại niềm vui cho trẻ em mỗi mùa Trung thu đến”.
Em Nguyễn Bá Hữu Minh (lớp 6A1, Trường THCS Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em trải nghiệm làm một chiếc lồng đèn, em rất vui khi được gặp nghệ nhân và biết về nghề làm lồng đèn truyền thống ở Thu Xà, Quảng Ngãi”.
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Hoạt động trải nghiệm làm lồng đèn cùng nghệ nhân nhằm mục đích tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho học sinh trong dịp Tết Trung thu. Qua đó, phát triển kỹ năng sáng tạo, khéo léo, tinh thần đoàn kết cho học sinh. Đồng thời, các em được tìm hiểu, khám phá về nét đẹp trong văn hóa truyền thống Tết Trung thu”.
NGUYỄN TRANG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nghe-nhan-80-tuoi-giu-nghe-lam-den-ong-sao-post757726.html