Đây là lĩnh vực quang điện sinh học, sử dụng sinh vật quang hợp như rong biển để chuyển đổi ánh sáng thành năng lượng điện. Các nhà khoa học rải rong biển lên các điện cực trên tấm pin quang điện sinh học, tương tự như loại pin mặt trời.
“Tảo sử dụng ánh sáng để oxy hóa nước và trong quá trình này, chúng giải phóng các electron”, trưởng nhóm dự án Federico Tasca cho biết, nói thêm rằng các electron này sau đó có thể được thu thập trong các mạch điện, đồng thời giải phóng oxy.
Tasca cho biết các dự án tương tự trước đây đã sử dụng tảo siêu nhỏ, là sinh vật đơn bào, trong khi rong biển là tảo lớn, hay sinh vật đa bào. Tasca cho biết: “Tảo lớn có sức sống tốt hơn, dễ xử lý và dễ thu hoạch hơn”.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng quy trình này vẫn chưa đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng. “Đó chính xác là mục đích của thí nghiệm, nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất điện”, ông nói.
Rong biển có thể được sử dụng trong một số trường hợp khi không có giải pháp thay thế. “Đây là một hệ thống tốt để cung cấp năng lượng cho bóng đèn, có thể thắp sáng một số đèn LED”, ông nói.
Alejandra Moenne, trưởng khoa sinh học biển của Đại học Santiago, cho biết tảo vẫn còn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Moenne cho biết: “Tôi vẫn luôn nói rằng tảo giống như một rương kho báu chôn dưới biển. Chúng chứa đầy các gen và phân tử mà chúng ta vẫn chưa biết đủ, thậm chí một ngày nào đó có thể được sử dụng cho mục đích y học”.
Ngọc Ánh (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cac-nha-khoa-hoc-chile-bien-tao-bien-thanh-nguon-nang-luong-moi-post311049.html