Tối 6/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, chương trình nghệ thuật Vinh quang thầm lặng 2024 được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024) và 79 năm Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 – 12/9/2024).
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng – Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng Ban tổ chức chương trình – đã điểm lại lịch sử ngành Cơ yếu. Mùa Thu lịch sử cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong buổi đầu của chính quyền non trẻ, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, cấp bách.
Để đáp ứng yêu cầu đó, ngày 12/9/1945, Ban Mật mã quân sự – Tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam đã được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng khẳng định, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ yếu qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, làm nên những chiến công thầm lặng mà vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lấy âm nhạc làm dòng chảy chính, kết hợp tinh tế với thơ ca, kịch nghệ, múa và các thủ pháp sân khấu hiện đại, Vinh quang thầm lặng 2024 không chỉ giải mã những thành tựu, cống hiến của ngành Cơ yếu Việt Nam trong suốt quá trình chiến đấu, trưởng thành và phát triển, mà còn là lời tri ân sâu sắc đối với công lao đóng góp của các thế hệ cha anh, của gần 1.000 liệt sĩ cơ yếu đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường, các thương binh đã để lại một phần máu xương của mình, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ thông tin cơ mật của Đảng, Nhà nước.
Qua đó, chương trình góp phần truyền cảm hứng và tiếp lửa cho các thế hệ ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Cơ yếu.
Chương trình cũng mang đến những thước phim phóng sự sinh động cùng phần giao lưu giàu ý nghĩa với những nhân chứng lịch sử, chuyên gia trong ngành, từ đó làm nổi bật vai trò quan trọng của công tác mật mã trong thắng lợi của các chiến dịch quân sự lớn, cho thấy bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối của những chiến sĩ cơ yếu với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ giữ bí mật thông tin, bí mật nhà nước và bí mật công tác cơ yếu.
Trong chương trình, bên cạnh những ca khúc đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người Việt Nam, như: Một đời người một rừng cây, Linh thiêng Việt Nam, Hồ Chí Minh – đẹp nhất tên Người, Khát vọng… khán giả còn được thưởng thức những ca khúc mang “tiếng nói” của ngành là Hành khúc Cơ yếu Việt Nam (thơ Văn Duy, nhạc An Thuyên) và Vinh quang thầm lặng (thơ Nguyễn Hữu Hùng, nhạc Bùi Hoàng Uyên Minh).
Tham gia biểu diễn có nhiều giọng ca tên tuổi: Viết Danh, Ngọc Ký, Vũ Thắng Lợi, Tùng Dương, Nguyễn Ngọc Anh, Thu Thủy, Minh Quân…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/dem-nghe-thuat-ngoi-ca-vinh-quang-tham-lang-cua-luc-luong-co-yeu-viet-nam-20240907114816871.htm