Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin, máy bay vũ trụ Thần Long, được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-2F vào ngày 14/12 năm ngoái, đã hạ cánh thành công tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi.
Báo cáo cho biết vụ phóng mới nhất, được sử dụng để xác minh công nghệ tái sử dụng và tiến hành các thí nghiệm khoa học vũ trụ, cho thấy công nghệ máy bay vũ trụ tái sử dụng của Trung Quốc đang hoàn thiện.
Máy bay vũ trụ tái sử dụng có thể trở thành phương tiện thuận tiện và giá cả phải chăng để đi lại giữa không gian trong tương lai. Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có tàu vũ trụ tái sử dụng.
Chuyến bay trước đó của Thần Long kéo dài 276 ngày trước khi trở về Trái Đất vào tháng 5 năm ngoái. Truyền thông Trung Quốc ca ngợi đây là bước đột phá trong nghiên cứu công nghệ tàu vũ trụ tái sử dụng của nước này.
Trung Quốc vẫn giữ im lặng về thông số kỹ thuật của máy bay vũ trụ kể từ lần thử nghiệm quỹ đạo đầu tiên vào năm 2020. Các chi tiết kỹ thuật, bao gồm kích thước và trọng lượng, vẫn chưa được tiết lộ.
Dù thông tin cụ thể về mục đích và tải trọng của sứ mệnh thứ ba vẫn chưa được công bố, song máy bay vũ trụ này đã nâng quỹ đạo của mình từ 300 km lên 600 km so với Trái Đất vào tháng 1.
Thần Long thường được so sánh với máy bay vũ trụ quân sự X-37B của Mỹ, được phóng trong sứ mệnh thứ bảy vào tháng 12 sau nhiều lần trì hoãn. Mặc dù thông tin chi tiết về máy bay vũ trụ của Mỹ vẫn còn khá ít, nhưng phương tiện do Boeing chế tạo này được biết đến với khả năng tiến hành các thí nghiệm và triển khai nhiều tải trọng khác nhau trong các chuyến bay dài ngày.
X-37B vẫn giữ kỷ lục về sứ mệnh tàu vũ trụ có thể tái sử dụng lâu nhất trên quỹ đạo, với 908 ngày trên không gian trong sứ mệnh thứ Sáu. Tàu vẫn ở trên quỹ đạo quanh Trái đất sau lần phóng mới nhất.
Các nhà quan sát nhận thấy máy bay vũ trụ Thần Long có hình dạng tương tự như X-37B, dài khoảng 10 mét và nặng từ 5-8 tấn. Vào tháng 5, Lực lượng Không gian Mỹ phát hiện một vật thể được phóng từ máy bay vũ trụ Thần Long khi nó đang bay quanh Trái đất ở độ cao 600 km, sau đó đi vào quỹ đạo ở độ cao tương tự như máy bay. Đó có thể là vệ tinh hoặc mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh.
Hoài Phương (theo Tân Hoa Xã, SCMP)
Nguồn: https://www.congluan.vn/may-bay-vu-tru-than-long-cua-trung-quoc-ket-thuc-chuyen-bay-thu-ba-post311046.html