Nhiều rào cản
Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 66km đi qua địa phận hai tỉnh: Lâm Đồng (55 km) và Đồng Nai (11km), là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan có thẩm quyền.
Dự án được liên danh nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào tháng 8/2020 – thời điểm thị trường bất động sản đang khá sôi động.
Theo dự kiến, tuyến cao tốc này sẽ được khởi công vào năm 2023 và hoàn thành 2 năm sau đó (năm 2025). Song, cho đến nay, kế hoạch này chưa thể thực hiện.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, theo phương án huy động vốn được các bên cam kết trong bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn tham gia thực hiện dự án sẽ do các thành viên liên danh nhà đầu tư đề xuất, các ngân hàng tài trợ và góp vốn.
Tuy nhiên, đến nay, Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Nam Miền Trung và Ngân hàng Nam Á đã không thể tiếp tục tham gia đầu tư, tài trợ vốn do các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Hơn 4 năm qua, chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả kiên định theo đuổi, tài trợ kinh phí lập đề xuất dự án và triển khai hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.
“Thực trạng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia thấp (khoảng 35%), thời gian thu phí kéo dài, thời gian đầu tư kết nối đồng bộ toàn tuyến Dầu Giây – Liên Khương chưa xác định là những “rào cản” khiến dự án Tân Phú – Bảo Lộc rất khó để thu hút các nhà đầu tư khác và ngân hàng tham gia hợp vốn”, đại diện Đèo Cả chia sẻ.
Cũng theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, hiện chỉ có Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cam kết thu xếp cho vay đủ phần vốn huy động của dự án, nhưng điều kiện cho vay của VDB theo Nghị định 78/2023/NĐ-CP quy định “vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động)…”.
Trong khi đó, tại Điều 77 Luật Đầu tư PPP quy định “vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn Nhà nước”.
Vướng mắc không rõ ràng về tỷ lệ vốn đầu tư có bao gồm vốn từ ngân sách Nhà nước hay không khiến việc vay vốn VDB chưa thể thực hiện.
Tháo gỡ cách nào?
Đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm nhà đầu tư đứng đầu liên cùng kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án lớn như: Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cam kết góp đủ vốn chủ sở hữu và nghiên cứu, đề xuất giải pháp tài chính để cùng với cơ quan chủ quản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Mới đây nhất, trong chương trình làm việc của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với tỉnh Lâm Đồng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương (4/9), ông Hồ Minh Hoàng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã kiến nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn, làm rõ quy định tại Nghị định 78/2023/NĐ-CP về tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia đối với các dự án đầu tư PPP là 20% tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia.
“Ngân hàng VDB cần có cam kết tài trợ vốn tín dụng theo phương án tài chính được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ cung cấp bảo lãnh dự thầu, thu xếp tín dụng ngắn hạn.
Trường hợp VDB không cấp tín dụng cho dự án, Đèo Cả kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để Ngân hàng Nhà nước có ý kiến các ngân hàng: TPBank, BIDV, Agribank tham gia đồng tài trợ cho dự án”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị.
Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị tỉnh Lâm Đồng cùng các Bộ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc trong vay vốn theo Nghị định 78, kiến nghị làm rõ, sửa đổi nghị định để thống nhất cơ chế với Luật Đầu tư PPP nhằm tăng sức hấp dẫn của nhà đầu tư với dự án cao tốc.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/go-nut-that-tai-chinh-som-khoi-cong-cao-toc-tan-phu-bao-loc-192240907145755538.htm