Thời điểm quan trọng
Tác giả bài báo nhận định, khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Trần Thanh Mẫn đã cam kết mở rộng quan hệ liên nghị viện, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính của chính quyền nhân dân. Để đạt được mục tiêu này, Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch mới có kế hoạch tăng cường hoạt động trao đổi đoàn cấp cao với nghị viện các nước, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và quan điểm về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Tờ Độc lập nhận định chuyến thăm Nga lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt quan trọng, vì hoàn toàn phù hợp với chương trình mở rộng quan hệ đã được thông qua trong chuyến thăm Hà Nội gần đây của Tổng thống Vladimir Putin (ngày 19 – 20.6 vừa qua).
Sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai bên đã ký kết Tuyên bố chung nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp.
Dự kiến, tại Moscow, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ được tiếp đón ở cấp cao nhất và sẽ đến thăm tất cả các cơ quan quan trọng nhất, bao gồm Hội đồng Liên bang, Duma Quốc gia, Chính phủ và có thể cả Điện Kremlin.
Trong chuyến thăm Hà Nội vừa qua của Tổng thống Putin, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã có cuộc hội kiến với Tổng thống và hai bên nhất trí tiếp tục đối thoại ở Moscow, không chỉ về các vấn đề cùng quan tâm mà còn mở rộng hợp tác, có tính đến các xu hướng hiện tại của chính trị thế giới.
Thực chất hóa hoạt động của Ủy ban Hợp tác liên nghị viện
Một trong những chủ đề chính sẽ là thúc đẩy hoạt động của Ủy ban Hợp tác liên nghị viện (ICC). Được thành lập vào năm 2018, cơ quan này là cơ chế hợp tác độc đáo giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nhằm củng cố, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp.
Trong chuyến thăm Hà Nội lần thứ hai của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko vào tháng 2.2017, Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của Nga trong việc gia nhập khu vực thương mại tự do với EAEU (Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia). Hai bên nhất trí cần thành lập một “cơ quan khẩn cấp”.
Khi đó, Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên được lãnh đạo bởi nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Liên bang Nga Valentina Matvienko có mối quan hệ cá nhân sâu sắc. Nỗ lực chung của họ đã đưa đến thành quả là Ủy ban Hợp tác liên nghị viện.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin đã cùng Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân ký Thỏa thuận về việc thành lập Ủy ban Hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga. Đây là mô hình hợp tác nghị viện cao nhất và đầu tiên giữa Quốc hội Việt Nam với một cơ quan lập pháp nước ngoài do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga là đồng Chủ tịch Ủy ban.
Nhận định về sự kiện quan trọng này, Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin vui mừng tuyên bố, giờ đây chúng ta đã “khôi phục lại cơ chế gặp gỡ thường xuyên”.
Theo thỏa thuận, Ủy ban sẽ họp thường niên lần lượt tại hai nước. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 phải đến năm 2023, Ủy ban mới họp lần thứ hai ở Hà Nội. Phát biểu khai mạc tại cuộc họp lần thứ hai, Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin đã nhắc lại rằng, quan hệ giữa Nga và Việt Nam “còn hơn là đối tác – đó là quan hệ giữa những người bạn chiến lược”. Hai bên đã thảo luận các vấn đề hỗ trợ pháp lý trong các lĩnh vực năng lượng và giao thông, công nghệ thông tin và nông nghiệp, khoa học và giáo dục đại học, tài chính và ngân hàng.
Còn tại cuộc gặp với Tổng thống Putin tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thẳng thắn chia sẻ đánh giá về chặng đường hai bên đã đi qua. Ông cho biết quan hệ hai bên cần một xung lực mới nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Với mục tiêu mang lại hiệu quả cao hơn và đóng góp hữu hình cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước Nga và Việt Nam, nhiều khả năng một thỏa thuận mới về quyền hạn của Ủy ban Hợp tác liên nghị viện dự kiến sẽ được ký kết tại Moscow.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/Viet-Nam-va-cac-nuoc/bao-doc-lap-cua-nga-cac-nha-lap-phap-nga-va-viet-nam-muon-dua-moi-quan-he-di-vao-thuc-chat-hon-i387162/