Bà Trần Thị Đào, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Long (TP Huế) thông tin, mô hình trồng rau theo quy trình hữu cơ tại Kim Long được triển khai thí điểm từ cuối năm 2015, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân TP Huế.
Chỉ sau đó chưa đầy một năm, mô hình này đã được nhân rộng trên địa bàn và đến nay có sự tham gia của 8 hộ, với diện tích gần 5.000m2.
Khi tham gia mô hình trồng rau này, các hộ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc bằng cách “bắt tay chỉ việc” và thực hiện đúng quy trình trồng rau hữu cơ, từ khâu ủ phân, làm cỏ đến sử dụng nguồn nước tưới đảm bảo an toàn…
Phân bón cho rau được các hộ tích cực thu gom, mua phân lợn, phân bò, cây xanh và tiến hành ủ đúng quy trình.
Tổ chức WWF hỗ trợ thêm về kỹ thuật, nguyên liệu, vật dụng để ủ phân, ủ chất dinh dưỡng cho rau từ các loại trái cây, rau củ quả…
Trong phòng trừ sâu bệnh, chỉ dùng thảo mộc được pha chế từ gừng, tỏi, ớt hoặc chịu khó bắt bằng tay vào ban đêm.
Các hộ tích cực làm cỏ bằng tay, không sử dụng thuốc diệt cỏ hay thuốc hóa học. Đất và nước để phục vụ sản xuất rau hữu cơ đã được lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo an toàn mới đưa vào sản xuất.
Quầy bán rau hữu cơ ở Kim Long, TP Huế, nơi góp phần tiêu thụ rau cho các hộ dân tham gia mô hình trồng rau hữu cơ.
Qua nhiều năm triển khai thực hiện, được chăm bón phân hữu cơ, đến nay đất trồng rau hữu cơ đã tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng nên cây rau mọc khỏe, tươi tốt, ít bị sâu bệnh.
Các loại rau được đưa vào sản xuất như rau dền, mồng tơi, rau muống hạt, các loại cải và các loại rau gia vị như hành lá, rau thơm…
Ngoài ra, còn có các loại quả như bầu, bí ngô, bí đao, mướp đắng, mướp ngọt được trồng theo mùa vụ. Thu nhập từ trồng rau hữu cơ bình quân mỗi ha đạt 300 triệu đồng/năm.
Đến nay, thỉnh thoảng các hộ trồng rau được Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) hỗ trợ, tạo điều kiện đi tham quan, tập huấn để giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ chủ vườn rau Thanh Đông – Hội An (Quảng Nam).
ACCD đã hỗ trợ kinh phí để nâng cấp nhà sơ chế đủ tiêu chuẩn để hợp tác xã làm thủ tục đề nghị Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thời gian đầu, chỉ có một vài cửa hàng thu mua rau cho các hộ nông dân, sau đó có thêm một số khách hàng nhỏ lẻ khác, trong đó có nhóm khách hàng thân thiện đến trực tiếp thu mua tại vườn, chia sẻ khó khăn với các hộ dân.
Còn lại phần lớn sản phẩm hữu cơ được các hộ đem ra bán tại chợ Kim Long. Nhiều khách hàng đã hiểu được tính chất, lợi ích của rau trồng theo hướng hữu cơ nên chọn sử dụng sản phẩm này. Nhờ vậy, hiện nay đầu ra sản phẩm tương đối ổn định, đem lại thu nhập tốt cho các hộ tham gia dự án.
Những hộ trồng rau còn hạn chế sử dụng túi nilon khi giao hàng mà chủ yếu sử dụng lá chuối để gói rau, giao rau bằng giỏ đệm, góp phần bảo vệ môi trường. Vườn rau hữu cơ còn là nơi trải nghiệm của học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Huế.
Nguồn: https://danviet.vn/cung-trong-rau-thoi-o-noi-nay-cua-hue-nong-dan-trong-rau-huu-co-kieu-gi-ma-ngay-cang-dat-hang-20240830175809416.htm