Triệu chứng sớm nhất và đặc trưng của viêm cột sống dính khớp là đau vùng lưng, thắt lưng, có thể kèm theo cứng cột sống vào buổi sáng.
Không chủ quan với đau nhức cột sống
Anh K. (28 tuổi) không thể xoay người, đi lại cứng đơ, bác sỹ mổ không thể gây tê cột sống như thông thường mà phải gây mê nội soi phế quản. Anh K. đến khám tại bệnh viện sau 15 năm đau nhức cột sống, khớp háng.
Tình trạng này diễn ra từ năm 2010. Tuy nhiên, mãi 5 năm sau, anh K. mới được chẩn đoán mắc viêm cột sống dính khớp, thay vì viêm đa khớp như trong các lần chẩn đoán trước đó.
Ảnh minh hoạ. |
Theo thời gian, tình trạng đau nhức, dính và cứng khớp ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở cột sống cổ – lưng và các khớp háng, gối.
Kết quả chụp máy X quang treo trần kỹ thuật số hiện đại phát hiện anh bị viêm dính khớp cột sống và khớp háng nghiêm trọng, hoại tử chỏm xương đùi. Người bệnh cần phải phẫu thuật thay khớp háng và điều trị cột sống hư hỏng nặng để tránh nguy cơ cao tàn phế.
Ca mổ của anh K. đối mặt rất nhiều thách thức. Đầu tiên là phải tìm ra cách gây tê cho người bệnh. Bởi thông thường, khi phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh sẽ được gây tê cột sống trong tư thế nằm nghiêng và uốn cong lưng. Tuy nhiên, vì các đốt sống đã dính lại với nhau nên người bệnh không thể nằm ở tư thế này, giữa các đốt sống cũng không còn chỗ nào trống để chọc kim tiêm.
Các bác sỹ thay đổi phương án gây mê nội khí quản. Nhưng phương pháp này cũng không thực hiện được vì đốt sống cổ dính cứng, người bệnh không thể ngửa đầu ra sau, ống nội khí quản bị trượt vào thực quản.
Ekip phẫu thuật cân nhắc mở khí quản nhưng tồn tại nhiều rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu sau mổ… Sau hai lần gây tê cột sống và gây mê nội khí quản không thành công, ca phẫu thuật tạm ngừng.
Các bác sỹ hội chẩn đa chuyên khoa gồm chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức, nội hô hấp, tai mũi họng… Phương án cuối cùng được đưa ra là gây mê bằng cách nội soi phế quản qua đường mũi.
Với kỹ thuật này, người bệnh được đặt nằm ngửa nhưng không cần ngửa cổ. Bác sỹ sử dụng ống nội soi mềm, có gắn nguồn sáng và camera ở đầu ống, đi đúng vào phế quản và gây mê.
Ê kíp phải cân nhắc lựa chọn kỹ thuật mổ phù hợp cho ca bệnh này. Lý do cột sống là bộ phận có khả năng uốn cong ra trước hoặc ra sau khi cơ thể thay đổi tư thế, lúc đó khớp cùng chậu sẽ chuyển động theo để cân bằng lực với cột sống.
Ví dụ, khi một người ngồi xuống, cột sống sẽ cong nhẹ về trước và khớp cùng chậu sẽ đẩy ra sau. Tuy nhiên, ở trường hợp anh K. các đốt sống dính cứng lại, cột sống không thể thay đổi, khớp cùng chậu không chuyển động, người bệnh có nguy cơ trật khớp háng sau mổ rất cao.
Để khắc phục nguy cơ trên, ca mổ cần phải bảo tồn cơ tối đa. Các bác sỹ lựa chọn kỹ thuật mổ không cắt cơ ABMS (Anterior Based Muscle Sparing), vén cơ mông nhỡ, cơ căng mạc đùi và tiến hành thay khớp, bảo tồn nguyên vẹn các cơ xung quanh khớp.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, triệu chứng sớm nhất và đặc trưng của viêm cột sống dính khớp là đau vùng lưng, thắt lưng, có thể kèm theo cứng cột sống vào buổi sáng.
Cơn đau thường kéo dài ít nhất 3 tháng với cường độ tăng dần theo thời gian. Cơn đau không thuyên giảm khi nghỉ ngơi nhưng sẽ cải thiện khi người bệnh vận động nhẹ.
Nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tốt, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như dính khớp và đốt sống, nứt gãy xương, tổn thương mắt, tim… Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của hệ cơ xương khớp, người bệnh nên đi khám sớm để kịp thời điều trị, phòng tránh các biến chứng nặng nề.
Cứu bệnh nhân có khối u khổng lồ hơn 7kg
Thông tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho hay, các bác sỹ Khoa Ngoại vú – Phụ khoa của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công khối u buồng trứng ác tính khổng lồ, nặng hơn 7kg cho nữ bệnh nhân tên H. (53 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Cách đây hơn một năm, bệnh nhân H. phát hiện bị ung thư buồng trứng, tràn dịch màng phổi với triệu chứng ban đầu là chướng bụng, khó thở.
Bệnh nhân được điều trị hóa chất tiền phẫu. Quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng với hóa chất kém khiến bệnh tiến triển và được chuyển đến phẫu thuật tại Khoa Ngoại vú – Phụ khoa.
Tại đây, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, bệnh nhân có khối lớn nằm trong ổ bụng, kích thước 30x40cm, đè đẩy các tạng trong ổ bụng và tiểu khung, nhiều dịch màng phổi phải.
Sau hội chẩn, các bác sỹ quyết định chọc dịch màng phổi để gây mê và mổ cắt khối ung thư lớn của buồng trứng để cứu bệnh nhân.
TS.Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại vú – Phụ khoa cho biết, ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do khối u trong ổ bụng có kích thước lớn, chiếm toàn bộ ổ bụng, choán hết vùng tiểu khung lên đến thượng vị, sát mặt dưới gan và dạ dày, nhiều thùy múi…
Quá trình gỡ dính toàn bộ khối u, phẫu thuật viên nhận thấy, khối này xuất phát từ buồng trứng trái, mủn, mạch máu tăng sinh rất nhiều, dính chặt vào thành chậu hông 2 bên, dính mặt trước trực tràng và mặt sau bàng quang, nhiều quai ruột non vây quanh. Chính vì vậy, việc gỡ dính cắt toàn bộ khối u gặp nhiều khó khăn.
Ngoài khối u lớn, ổ bụng còn có nhiều nhân di căn phúc mạc vùng tiểu khung… Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành lấy tối đa nhân di căn phúc mạc ổ bụng và cắt toàn bộ tử cung.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị mất một lượng máu khá lớn (khoảng 500ml) do quá trình xâm lấn, bóc tách và máu nằm trong khối u. Bệnh nhân được truyền bù máu trong mổ.
Kết quả, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Tám ngày sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục.
Từ trường hợp này, các bác sỹ khuyến cáo, ung thư buồng trứng là “kẻ giết người thầm lặng”.
Do đó, người bệnh, đặc biệt là phụ nữ cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ung thư nói chung và ung thư buồng trứng nói riêng.
Cảnh giác với ho gà ở trẻ
Trẻ nhỏ mắc ho gà dễ diễn tiến nặng và tử vong do hệ miễn dịch non kém, có đến 90% số ca mắc và tử vong do ho gà được ghi nhận ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ số mũi vắc-xin.
Sau dịch Covid-19, thế giới ghi nhận một số dịch bệnh truyền nhiễm như ho gà có xu hướng gia tăng, một phần nguyên nhân là do gián đoạn và sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022 toàn cầu ghi nhận hơn 62.000 ca ho gà, tăng 111,5% so với năm 2021.
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều nước ghi nhận số ca ho gà tăng cao. Điển hình, đầu năm 2024, Thái Lan có hơn 1.000 ca mắc, 7 ca tử vong.
Tại Việt Nam, số ca ho gà cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, có nhiều trẻ biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, nhập viện. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) từ đầu năm đến cuối tháng 7.2024 đã tiếp nhận và điều trị gần 400 trẻ mắc ho gà. Các ca bệnh chủ yếu chưa đến tuổi chủng ngừa hoặc chưa tiêm đầy đủ số mũi vắc-xin.
Ho gà là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ mắc và diễn tiến càng nặng khi tuổi càng nhỏ.
Thống kê các đợt dịch gần đây tại Việt Nam cũng cho thấy 90% số ca mắc ho gà là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có lịch sử chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng rất nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Hầu hết trẻ tử vong do ho gà đều là trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm không đủ phác đồ. Vắc-xin là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí điều trị ho gà. Vắc-xin có thành phần ho gà nay đã được kết hợp trong vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, chỉ định sớm cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi.
Trong đó, vắc-xin 6 trong 1 dịch vụ là vắc-xin phòng được nhiều bệnh trong cùng một mũi tiêm cho trẻ. Đặc biệt, thành phần ho gà trong vắc-xin 6 trong 1 là ho gà vô bào, giúp vắc-xin có ít phản ứng phụ, giảm các phản ứng sau tiêm như sốt đau cũng như giảm cảm giác khó chịu khi tiêm.
Vắc-xin còn giúp phòng thêm các bệnh nguy hiểm khác như bạch hầu, bại liệt, Hib, uốn ván, viêm gan B.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-318-khong-chu-quan-voi-dau-nhuc-cot-song-d223794.html