(MPI) – Tham dự và phát biểu tại Tọa đàm: Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế – xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trải qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; khung pháp lý liên quan đến chính sách thu hút đầu tư đã cơ bản đầy đủ, được đánh giá là cạnh tranh so với các nước. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng qua các năm.
Tọa đàm diễn ra ngày 05/9/2024, tại thành phố Đà Nẵng dưới sự đồng chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt trên 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng đạt gần 4.300 USD, ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Trong quá trình đó, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế tập thể là những bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển theo hướng vừa bổ trợ, vừa cạnh tranh, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Đề cập tới một số điểm nổi bật trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, Việt Nam đã liên tục sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật PPP,… Điều này đã tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam với hệ thống thủ tục minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, và thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng,… Việt Nam đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, từ giao thông, điện lực đến viễn thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài trong việc vận hành và phát triển kinh doanh.
Cùng với đó, Việt Nam đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng và dễ dàng tiếp cận các thị trường quốc tế; đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Với các chính sách đúng đắn và hiệu quả, kịp thời của Việt Nam, khu vực đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp quan trọng, là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào GDP cả nước và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước; góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa – công nghiệp hóa của đất nước; Góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế;…
Qua quá trình triển khai các chính sách thu hút FDI, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ các bài học kinh nghiệm quan trọng. Một là, cần giữ vững sự ổn định chính trị và môi trường kinh doanh minh bạch: Đây là yếu tố quan trọng nhất để thu hút FDI, giúp nhà đầu tư yên tâm và dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư.
Hai là, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư: Chính sách phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ họ trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này bao gồm cả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu tài sản, và giải quyết tranh chấp.
Ba là, cần có sự linh hoạt và thích ứng trong xây dựng và điều chỉnh chính sách thu hút FDI; có khả năng thích ứng cập nhật và điều chỉnh kịp thời với những thay đổi của thị trường quốc tế cũng như tình hình kinh tế trong nước.
Bốn là, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Đầu tư vào nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để thu hút FDI. Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ thu hút nhà đầu tư mà còn giúp họ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Năm là, chú trọng khâu thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống; gắn chặt trách nhiệm thực thi công vụ ở tất cả các ngành, các cấp; đồng thời nâng cao năng lực khâu kiểm tra, giám sát; chống đầu tư chui, chuyển giá, vi phạm pháp luật về môi trường,…
Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham dự thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn |
Về chính sách phát triển kinh tế tập thể, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Luật Hợp tác xã được Quốc hội thông qua năm 1996 đã tạo khung pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, Luật Hợp tác xã đã qua ba lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2003, 2012 và gần đây nhất là năm 2023 để phù hợp với điều kiện, yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của Việt Nam.
Luật HTX năm 2023 được sửa đổi, bổ sung rất toàn diện trên cơ sở của Luật HTX năm 2012, đã thể chế và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương được nêu tại các Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng như hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên. Theo đó, mở rộng đối tượng tham gia, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; bổ sung quy định Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia mang tính đặc thù của mô hình HTX với quy định cụ thể mức trích lập quỹ tối thiểu từ thu nhập của giao dịch bên ngoài là 5% đối với HTX, 10% đối với liên hiệp HTX nhằm bảo đảm quỹ chung không chia, tài sản chung không chia không ngừng phát triển.
Xóa bỏ các rào cản, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho HTX khi ra nhập thị trường; trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định các vấn đề sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế tập thể, như việc xác định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên, quyết định việc thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp; tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên chính thức lên 30% vốn điều lệ đối với HTX, 40% vốn điều lệ với liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên (góp vốn bằng tiền, bằng quyền tài sản, bằng quyền khác đối với tài sản).
Cùng với đó là hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; Phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao; củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện: Bổ sung quy định về tổ hợp tác, làm rõ quyền, nghĩa vụ và việc đăng ký của tổ hợp tác; quy định rõ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trên phạm vi cả nước; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể;…
Thứ trưởng cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế tập thể, HTX tại Việt Nam đã có nhiều bước phát triển và đạt được các kết quả lớn. Kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX là các tổ chức có tính cộng đồng cao, có vai trò quan trọng về mặt kinh tế, chính trị – văn hóa – xã hội, là một trong 4 thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân, được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Số lượng và chất lượng của các tổ chức kinh tế tập thể không ngừng được tăng lên. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 30.698 HTX (tăng 58,6% so với năm 2013), 137 liên hiệp HTX (tăng 191% so với năm 2013) và 71.500 tổ hợp tác (giảm 43,7% so với năm 2013); trong đó gần 65% là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 35% các HTX còn lại hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp (giao thông vận tải, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại, tín dụng, dịch vụ môi trường…). Ước năm 2024, Việt Nam có khoảng 34.000 HTX, 160 liên hiệp HTX và 73 nghìn tổ hợp tác.
Đến nay đã có khoảng gần 2.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; trên 4.000 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản cho các hộ thành viên. Các HTX là chủ thể quan trọng trong phát triển các sản phẩm tiêu biểu của địa phương (OCOP), chiếm 41,5% tổng số chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm OCOP .
Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của các hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể, HTX được tăng cường, cùng nhau hợp sức, góp vốn, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo mối liên kết giữa các thành viên theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển, đồng thời, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể với nhau và với các thành phần kinh tế khác được mở rộng.
Kinh tế tập thể, HTX đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011-2020, khu vực kinh tế tập thể đóng góp khoảng 4% GDP, thu hút khoảng 6 triệu thành viên, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và thường xuyên. Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế tập thể còn đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình (hiện đang chiếm khoảng 30% GDP cả nước).
Tọa đàm là dịp để Quốc hội Lào và Quốc hội Việt Nam cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Các thông tin và các bài học kinh nghiệm từ Tọa đàm sẽ đóng góp hữu ích, thiết thực cho mỗi quốc gia trong xây dựng hoặc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của hai nước trong tình hình mới./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-9-6/Thu-truong-Tran-Quoc-Phuong-tham-du-Toa-dam-Vai-trqwshzx.aspx