Tham dự buổi lễ khai giảng tại ngôi trường trung học cổ nhất TP.HCM – Trường THPT Lê Quý Đôn 150 tuổi có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; bà Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy Q.3.
Tại buổi lễ khai giảng, các nghi thức đón chào học sinh lớp 10 diễn ra ngắn gọn nhưng vẫn trang trọng. Nhà trường mời những em học sinh lớp 10 có điểm thi đầu vào cao nhất, cùng với cha mẹ của mình bước lên sân khấu để chúc mừng.
Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới
Sau nghi thức chào cờ là phần đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 – 2025.
Sau khi đọc diễn văn khai giảng, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, đánh trống khai trường, ghi dấu thời khắc năm học mới 2024-2025 chính thức bắt đầu – năm học mà Trường THPT Lê Quý Đôn bước sang tuổi 150.
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng tại trường trung học cổ nhất TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nói: “Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn từng nói ‘Phi trí bất hưng’, câu nói này nhấn mạnh vai trò quan trọng của tri thức, trí tuệ trong sự phát triển và hưng thịnh của một quốc gia, và điều đó đã được minh chứng trước những thành tựu của Trường THPT Lê Quý Đôn trong sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục, trong sự nghiệp trồng người. Trường được khởi công năm 1874 và hoàn tất năm 1877. Có thể khẳng định, Trường THPT Lê Quý Đôn là trường trung học cổ nhất TP.HCM với 150 năm tuổi và được chọn là một trong những di tích văn hóa của TP.HCM. Nhà trường luôn có sự đột phá đổi mới, có tinh thần dấn thân cao đã xây dựng một mô hình mới phù hợp với sự phát triển của thời đại”.
Bà Lệ biểu dương những thành tích mà Trường THPT Lê Quý Đôn đạt được trong thời gian qua. Bà nhấn mạnh: “Người đời thường ví von trường học là nơi ươm mầm tri thức, nhưng với Trường THPT Lê Quý Đôn, nhìn vào bảng vàng thành tích của nhà trường trong thời gian qua, tôi thích ví von với hình ảnh bệ phóng tài năng. Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế với nhiều tiêu chí chặt chẽ đã giúp học sinh Trường Lê Quý Đôn tiếp thu kiến thức bằng những phương pháp giáo dục hiện đại nhất, như được thực hành, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, thậm chí có thể tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực và tổ chức nhiều hoạt động có ích cho xã hội”.
“Trường THPT Lê Quý Đôn tạo sức hút để trang bị cho học sinh hành trang du học thông qua việc đa dạng các hoạt động giáo dục ngoại ngữ qua giúp các em phát triển năng lực, phát huy năng khiếu, hoàn thiện phẩm chất; để trở thành những công dân toàn cầu, sẵn sàng xây dựng và phát triển thành phố giàu đẹp, thực hiện theo phương châm học tập của nhà bác học Lê Quý Đôn ‘đọc sách một thước không bằng hành được một tấc'”, bà Lệ nói.
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường, đồng thời mong nhà trường tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, yêu thương nhau và cùng chung tay viết tiếp trang thành tích của nhà trường.
“Chúc cho Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ tiếp tục phát triển, vươn xa hơn nữa, trở thành cái nôi của những nhân tài, là niềm tự hào của ngành giáo dục thành phố, và tôi mong rằng mỗi học sinh sẽ không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, phát huy những điểm mạnh của bản thân và cố gắng khắc phục những khó khăn, thách thức trong cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Lệ phát biểu.
Trên trang web Trường THPT Lê Quý Đôn, tại mục “Lịch sử truyền thống” nhà trường nêu rõ: Trường THPT Lê Quý Đôn được khởi công năm 1874 và hoàn tất năm 1877, giảng dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp. Ngày đầu thành lập, trường có tên Collège Indigène (trung học bản xứ), không lâu sau được đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat, theo tên Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa) lúc bấy giờ là Francois Marquis de Chasseloup Laubat (1754-1833).
Việc mở rộng nhận học sinh người Việt (phải có quốc tịch Pháp) được thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Trường chia thành hai khu riêng biệt: khu dành cho học sinh Pháp, gọi là Quartier Européen và khu học trò Việt gọi là khu bản xứ, nhưng hai nơi đều học chung chương trình Pháp và thi tú tài Pháp.
Năm 1954, trường tiếp tục đổi tên một lần nữa thành Jean Jacques Rousseau (tên một nhà trí thức Pháp trong phong trào “Ánh Sáng” thế kỷ XVIII) nhưng vẫn do người Pháp quản lý, chủ yếu dạy học sinh người Việt.
Tới năm 1970, trường được giao trả cho người Việt và đổi tên là Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, học từ lớp 1 đến lớp 12.
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 29 tháng 8 năm 1977, UBND thành phố ký quyết định thành lập Trường THPT Lê Quý Đôn.
Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay thuộc hệ thống công lập của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh do hai tác giả Thạch Phương và Lê Trung Hoa chủ biên cũng khẳng định: Năm 1874, thành lập Trường Collège Chasseloup Laubat. Như vậy có thể khẳng định, Lê Quý Đôn là trường trung học cổ nhất TP.HCM hiện nay với 150 tuổi và được chọn là một trong những di tích văn hóa của TP.HCM.
Trường THPT Lê Quý Đôn là trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”. Năm học 2024-2025 này, Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ kỷ niệm 150 năm thành lập.
Nguồn: https://thanhnien.vn/khai-giang-o-truong-trung-hoc-co-nhat-tphcm-voi-150-tuoi-185240904195955153.htm