Kỳ lân công nghệ chìm trong thua lỗ 11 quý liên tiếp
Xuất phát điểm là một doanh nghiệp phát hành game, được thành lập bởi ông Lê Hồng Minh từ năm 2004, CTCP VNG (Mã: VNZ) đã vươn mình trở thành tập đoàn đa ngành, được xưng tụng như “kỳ lân công nghệ” của Việt Nam.
Bên cạnh các sản phẩm game phát hành trong nước, VNG cũng là chủ sở hữu của loạt sản phẩm bao gồm: Zing MP3, Zing TV, Báo Mới, ZaloPay hay ứng dụng nhắn tin, gọi điện Zalo.
Trái ngược với quy mô ngày càng lớn, hoạt động đầu tư đa ngành của VNG dường như đang dần đi vào ngõ cụt khi tập đoàn này đã phải gánh chịu gần 3 năm thua lỗ liên tiếp.
Cụ thể, tính từ Quý 4/2021 đến hết Quý 2/2024, VNG đã trải qua 11 quý thua lỗ. Trong đó, đáng kể nhất là khoản lỗ 547 tỷ tại Quý 4/2022 và khoản lỗ 400 tỷ tại Quý 2/2022. Tổng kết năm 2022 và 2023, VNG lỗ sau thuế lần lượt 1.534 tỷ và 2.317 tỷ đồng.
Trong năm 2024, mục tiêu thoát lỗ đã được VNG đặt ra và thực hiện tốt trong Quý 1/2024, công ty ghi nhận doanh thu 2.259 tỷ và lỗ sau thuế 31 tỷ đồng.
Trong Quý 2/2024 vừa qua, VNG mang về 2.055 tỷ đồng doanh thu, lỗ sau thuế lại một lần nữa leo thang, chạm ngưỡng báo động 489 tỷ đồng.
Nguyên nhân là bởi VNG phải “cõng” 2 khoản chi phí hoạt động tương đối lớn bao gồm chi phí bán hàng chiếm 555 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 332 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản chi phí thuế TNDN hoãn lại tăng đột biến lên 269 tỷ đồng, cao gấp 9,6 lần cùng kỳ cũng đẩy số lỗ của VNG tăng vọt trong kỳ.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, VNG ghi nhận tổng doanh thu 4.314 tỷ đồng, lỗ sau thuế luỹ kế chạm ngưỡng 586 tỷ. Con số này còn cách rất xa so với mục tiêu doanh thu 11.069 tỷ và lãi sau thuế 195 tỷ đồng đặt ra từ đầu năm 2024.
ZaloPay, gánh nặng “gồng lỗ” của VNG
Dù đã phát triển đa ngành, nhưng mảng dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn đang đóng vai trò trụ cột trong cơ cấu doanh thu của VNG. Cụ thể, mảng dịch vụ trò chơi trực tuyến mang về 3.112 tỷ đồng, tương đương 72% tổng doanh thu tập đoàn trong nửa đầu 2024.
Theo sau là mảng dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet với 653 tỷ đồng. Hoạt động quảng cáo trực tuyến đạt doanh thu 436 tỷ đồng.
Có thể thấy hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến của VNG vẫn diễn ra sôi động. Nhưng các khoản đầu tư đa ngành, đặc biệt là với ví điện tử ZaloPay đang lại đang thua lỗ cả nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2021, ZaloPay đã lỗ ròng 1.200 tỷ đồng. Số lỗ này tiếp tục tăng lên 1.300 tỷ trong năm 2022 trước khi giảm xuống 721 tỷ trong năm 2023. Tính cả năm 2023, ZaloPay đã lỗ liên tiếp 7 năm liền.
Như vậy, dù đang có lượng người dùng lớn, đạt tới con số 14 triệu user tại giữa năm 2024, ZaloPay vẫn đang là “gánh nặng” cho kết quả kinh doanh của VNG.
84% tài sản của VNG là nợ phải trả
Tính đến hết Quý 2/2024, tổng tài sản của VNG vẫn đang duy trì ở mức 10.126 tỷ đồng, tăng 531 tỷ so với đầu năm. Đáng chú ý, công ty đang tích trữ một lượng tiền mặt lớn, chiếm 3.341 tỷ đồng, tương đương 33% tổng tài sản.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả đang áp đảo vốn chủ sở hữu với 8.446 tỷ đồng, tương đương tới 84% tổng nguồn vốn. Trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn.
Lượng nợ vay ngắn hạn trong 6 tháng đầu năm tăng tới 571 tỷ, chiếm 1.436 tỷ đồng. Trong khi đó nợ vay dài hạn ghi nhận ở mức 595 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng các khoản nợ vay của VNG đã cao vượt vốn chủ, chưa kể các nghĩa vụ phải trả khác.
Vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 1.680 tỷ đồng, tương đương 16%. Khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích luỹ tới 2.842 tỷ đồng tại cuối năm 2023 đã sụt giảm mạnh, chỉ còn lại 1.402 tỷ đồng tại cuối Quý 2/2024 vừa qua. Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã sụt giảm tới 1.440 tỷ đồng.
Nguồn: https://www.congluan.vn/ganh-lo-7-nam-lien-cho-zalopay-du-co-14-trieu-nguoi-dung-vng-vnz-kinh-doanh-ra-sao-trong-6-thang-dau-nam-post310885.html