Ý nghĩa của vắc xin trong công cuộc bảo vệ sức khỏe
Ths. BS. Nguyễn Hiền Minh – Phó Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, vắc xin là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân loại từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành và về già.
Vắc xin được xem là một phát minh vĩ đại của y học, tương đương với việc phát hiện ra kháng sinh. Nếu kháng sinh gắn liền với giai đoạn điều trị bệnh, thì vắc xin giúp chúng ta phòng ngừa bệnh từ sớm.
Từ khi bác sĩ Edward Jenner phát minh ra vắc xin phòng bệnh đậu mùa vào năm 1796, y học không ngừng tiến bộ và đã cho ra đời nhiều loại vắc xin phòng ngừa các bệnh khác nhau.
Trong cơ thể con người có hai loại miễn dịch: miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi.
Miễn dịch bẩm sinh tồn tại từ khi chúng ta ra đời, có khả năng ngăn chặn các tác nhân gây hại nhưng lại không có tính trí nhớ đặc hiệu cho từng virus hay vi khuẩn.
Miễn dịch thích nghi, ngược lại, là loại miễn dịch được “huấn luyện” mỗi lần cơ thể gặp vi sinh vật gây bệnh, giúp cơ thể sản sinh ra các kháng thể và tế bào miễn dịch chuyên biệt để chống lại tác nhân gây hại ở lần gặp mặt tiếp theo. Việc tiêm vắc xin chính là cách để chúng ta tạo ra miễn dịch thích nghi một cách chủ động cho cơ thể.
Tiêm chủng không bao giờ là muộn
Theo Ths. BS. Nguyễn Hiền Minh, việc tiêm vắc xin là cần thiết ở mọi lứa tuổi. Khi còn là bào thai, trẻ đã tiếp nhận kháng thể thụ động từ người mẹ thông qua nhau thai và sữa mẹ. Tuy nhiên, để củng cố trí nhớ miễn dịch, trẻ cần được tiêm vắc xin để hệ miễn dịch có thể “học” cách chủ động chống lại virus và vi khuẩn trong môi trường.
Khi trưởng thành, nhu cầu giao tiếp và di chuyển nhiều khiến người lớn tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, hệ miễn dịch cần có thêm vắc xin phù hợp với từng độ tuổi khác nhau để tăng cường khả năng phòng bệnh. Đặc biệt, ở người lớn tuổi và những người mắc bệnh mạn tính, hệ miễn dịch suy yếu nên rất cần được tiêm vắc xin để nhắc lại.
Như vậy, việc tiêm vắc xin là trọn đời để có thể bảo vệ sức khỏe của chúng ta dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Vắc xin giống như một thành phần kháng nguyên được đưa vào cơ thể để hệ miễn dịch nhận diện và kích hoạt tế bào miễn dịch.
Trong cơ thể con người, có hai tế bào quan trọng trong việc nhận diện kháng nguyên để sản xuất ra kháng thể là tế bào lympho T và lympho B. Mặc dù hai loại tế bào này có khả năng ghi nhớ, nhưng sẽ tùy thuộc vào từng loại kháng nguyên và thời điểm tiếp xúc với kháng nguyên. Theo thời gian, hệ miễn dịch cần được “nhắc lại” thông qua vắc xin để tăng cường khả năng ghi nhớ. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại vắc xin là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để chúng ta được bảo vệ một cách trọn vẹn.
Với mong muốn giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của vắc xin và việc tiêm chủng đối với sức khỏe bản thân, sức khỏe xã hội, Trung tâm Truyền thông phối hợp cùng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị đồng hành: GSK, Pfizer thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe – Sẻ chia với chủ đề “Vắc xin trọn đời – Tiêm chủng không bao giờ là muộn”, theo dõi tại: https://bit.ly/vacxintrondoi
Nguồn: https://giadinhonline.vn/vac-xin-tron-doi-tiem-chung-khong-bao-gio-la-muon-d201419.html