Sáng nay 6-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn thành phố trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão số 3 ( Yagi) có sức mạnh đạt cấp “siêu bão”.
Chủ trì cuộc họp có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội; và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Tại cuộc họp, đại diện một số sở, ngành chức năng của TP Hà Nội cho biết, để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các đơn vị chức năng của thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện, như: sẵn sàng hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống úng ngập; bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, không để tăng giá; duy trì hệ thống điện an toàn; các hồ trên địa bàn cũng đã hạ xuống mức thấp cần thiết.
Đặc biệt, để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo yêu cầu các trường học của thành phố không tổ chức học, kể cả học thêm vào thứ Bảy (ngày 7-9). Công an TP Hà Nội cũng đã bố trí lực lượng trực bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn thành phố đặc biệt là các địa điểm trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các lực lượng và phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão số 3 một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm “4 tại chỗ”. Trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phối hợp phòng, chống lụt bão; bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan nhưng đồng thời không hoang mang, sợ hãi.
QUỐC LẬP
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ngay-mai-7-9-cac-truong-hoc-tai-ha-noi-tam-dung-day-hoc-de-phong-chong-sieu-bao-so-3-post757499.html