Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2022 đến nay, đã xảy ra 2 ca tử vong do bệnh dại và khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Bệnh dại chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương (Ảnh minh họa).
Tại Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 28-4-2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2151 ngày 21-12-2021, Chỉ thị số 11 ngày 21-4-2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 09 ngày 17-1-2022 về phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2030, Kế hoạch số 266 ngày 14-11-2022 về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản và tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023; các văn bản hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Y tế.
Trong đó, các huyện, thị xã, thành phố cần thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không ảnh hưởng tới người xung quanh, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định; thành lập các đội xử lý chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Khẩn trương tổ chức thực hiện và hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vắc xin dại đợt 1 năm 2023, tiêm bổ sung cho đàn chó, mèo đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng, đặc biệt là với các huyện tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại đạt thấp như: Mường Lát, Quan Sơn, Lang chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Quan Hoá, Như Xuân.
Tại Chỉ thị này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số sở, ngành và đơn vị liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại.
TS