45 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, vượt 12,5% kế hoạch đến năm 2025
Đồng Nai xác định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đây là hướng đi giúp cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, giúp người dân tăng lợi nhuận gấp nhiều lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Nông sản ứng dụng công nghệ cao đầu ra thuận lợi hơn, ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa có thể xuất khẩu chính ngạch sang một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đến nay, 7 địa phương của tỉnh Đồng Nai thuộc vùng kinh tế Tây Nam gồm các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh và một phần huyện Vĩnh Cửu đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tại các địa phương trên, 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng.
Vùng kinh tế Tây Nam của Đồng Nai hiện đã hình thành được các chuỗi sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu an toàn tại các huyện Trảng Bom, Thống Nhất và TP. Long Khánh; vùng sản xuất, kinh doanh cá cảnh tại các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom và TP. Biên Hòa; vùng sản xuất kinh doanh hoa – cây cảnh tại huyện Thống Nhất…
Toàn tỉnh hiện đã có khoảng 1.000ha chuối, lúa ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; gần 149ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới. Tỉnh cũng có khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 65% tổng đàn heo; 49% tổng đàn gà chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực trồng trọt đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt 12,5% kế hoạch đến năm 2025. Các mô hình đều cho năng suất gấp 2 – 3 lần so với sản xuất thông thường.
Trong đó, các địa phương thuộc vùng kinh tế Tây Nam có lợi thế phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng thâm canh bền vững có hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch với tổng diện tích 171ha cho lợi nhuận khoảng 600 – 800 triệu đồng/ha, mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, TP. Long Khánh… cho lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Nhiều điển hình tiêu biểu
Anh Võ Văn Tâm (nông dân ở xã An Phước, huyện Long Thành) chia sẻ, thời gian đầu, anh đầu tư 1.000m2 nhà màng trồng dưa lưới. Sau thời gian thử nghiệm để nắm vững tay nghề, mỗi năm anh thu hoạch được khoảng 20 tấn, chỉ tính bán dưa lưới với mức giá bình quân 25 nghìn đồng/kg, thu nhập trung bình mô hình này mang lại khoảng 300 triệu đồng/năm. Thấy mô hình ứng dụng công nghệ cao này mang lại hiệu quả kinh tế, đầu năm 2024, anh Tâm đầu tư mở rộng thêm 1,2ha nhà màng để trồng dưa lưới. Sản phẩm an toàn, chất lượng nên trước khi đầu tư, trang trại của anh đã có đối tác đặt hàng bao tiêu sản phẩm với giá tốt.
Anh Võ Văn Tâm cho hay, ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với thực tế sản xuất ở các khu đô thị diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, lao động làm nông ngày càng khan hiếm nhưng thu nhập trên một đơn vị diện tích lại đạt cao hơn nhiều so với các mô hình làm nông truyền thống.
Huyện Nhơn Trạch là địa phương có gần 2.000ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm chiếm hơn 90%. Để phát triển vùng nuôi thủy sản quy mô lớn, huyện đã kết nối, triển khai mô hình ứng dụng mô hình công nghệ khoa học vào nuôi trồng, từ đó đã có nhiều nông dân tiên phong thực hiện.
Ông Nguyễn Trường Đại (nông dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) bắt đầu nuôi tôm từ năm 2009. Ban đầu, ông cải tạo ruộng lúa nuôi tôm theo kiểu truyền thống, chỉ thu về khoảng 30 triệu đồng/1,5ha, không khá hơn làm lúa là bao. Được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế và Hội Nông dân huyện, ông Đại tham gia các lớp học tập rồi chuyển sang nuôi tôm lót bạt đáy ao. Hiệu quả kinh tế từng bước được cải thiện.
Năm 2014, từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Đại mạnh dạn mở rộng ao nuôi lên 4ha, chuyên tâm phát triển mô hình công nghệ cao CPF-Combine Model. Với mô hình này, nguồn nước được xử lý sạch, cân bằng độ mặn trước khi thả con giống. Nhờ vậy, tôm có môi trường an toàn để phát triển, tỷ lệ hao hụt thấp.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm, năng suất bình quân mỗi vụ đạt 40 tấn/ha. Theo mức giá bình quân 130.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, ông Đại thu lời khoảng 1,5-1,6 tỷ/năm, cao hơn nhiều so với làm lúa và các mô hình nuôi tôm trước đó. Hiện tổ hợp tác nuôi tôm do ông làm tổ trưởng có 4 hộ, đã được Chi cục Thủy sản công nhận vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, thời gian qua, các địa phương đều khuyến khích và tuyên dương nhiều điển hình tiêu biểu trong sáng chế chuyển giao công nghệ cũng như các ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, quan tâm quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu cho chế biến, phục vụ cho xuất khẩu.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/hieu-qua-tu-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-nong-nghiep-i387121/