Khoảng 24 triệu cử tri Algeria sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 7/9, trong đó các chuyên gia cho biết Tổng thống đương nhiệm Abdelmadjid Tebboune không phải đối mặt với bất kỳ rủi ro thực sự nào khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Tuy nhiên, thách thức chính của ông là đạt được tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao hơn so với cuộc bầu cử năm 2019, khi ông được tuyên bố đắc cử Tổng thống Algeria với 58% số phiếu bầu nhưng với tỉ lệ bỏ phiếu trắng kỷ lục là hơn 60%.
“Tổng thống rất muốn có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đáng kể”, ông Hasni Abidi, một nhà phân tích về Algeria tại Trung tâm nghiên cứu CERMAM có trụ sở tại Geneva, cho biết. “Đó là vấn đề chính của ông ấy”.
Ông Tebboune, 78 tuổi, là ứng cử viên sáng giá nhất, được cho là sẽ dễ dàng đánh bại ứng cử viên Abdelaali Hassani theo chủ nghĩa Hồi giáo ôn hòa và ứng cử viên Youssef Aouchiche theo chủ nghĩa xã hội trong cuộc đua giành quyền lãnh đạo đất nước với khoảng 45 triệu dân và là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi.
Mặc dù đã tách mình khỏi các đảng phái chính trị và được giới thiệu là ứng cử viên độc lập, nhưng nỗ lực tranh cử của ông Tebboune được các đảng phái chính trị lớn ủng hộ, bao gồm cả Đảng FLN, lực lượng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giúp Algeria độc lập khỏi Pháp.
Ông Hassani, một kỹ sư xây dựng 57 tuổi, là lãnh đạo của Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP), đảng Hồi giáo chính của Algeria.
Ông Aouchiche, một cựu nhà báo và nghị sĩ 41 tuổi, đứng đầu Mặt trận Lực lượng Xã hội (FFS), đảng đối lập lâu đời nhất của Algeria với thành trì chính ở khu vực Kabylie có đa số người Berber. FFS đã tẩy chay các cuộc bầu cử ở Algeria kể từ năm 1999.
Mặc dù ngày bỏ phiếu chính thức là ngày 7/9, nhưng các điểm bỏ phiếu ở nước ngoài đã mở cửa hôm 2/9, với hơn 800.000 người Algeria chuẩn bị bỏ phiếu ở nước ngoài. Các trạm bỏ phiếu di động có mục đích thu thập phiếu bầu ở các vùng xa xôi của Algeria đã bắt đầu hoạt động hôm 4/9.
Chiến dịch vận động bầu cử diễn ra vào thời điểm đỉnh điểm của mùa hè nóng nực, khiến lượng người tham dự giảm xuống.
Mọi ứng cử viên đều đã thu hút phiếu bầu của giới trẻ, với những người trẻ tuổi chiếm hơn một nửa dân số, đưa ra những lời hứa về các vấn đề xã hội và kinh tế để cải thiện sức mua và giúp nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào nguồn tài nguyên hydrocarbon như khí đốt.
Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 95% doanh thu ngoại tệ mạnh của quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, ông Tebboune cho biết ông đã thành công trong việc sửa chữa những sai lầm trong quá khứ của đất nước và đưa Algeria – hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Phi – trở lại đúng hướng.
Đương kim Tổng thống Algeria cho biết những thành tựu như vậy đã đạt được mặc dù “đang trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và nạn tham nhũng”.
Về chính sách đối ngoại, dường như có sự đồng thuận giữa các ứng cử viên về các vấn đề liên quan đến người Palestine và Tây Sahara – vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Algeria và Morocco (Maroc).
Minh Đức (Theo Digital Journal)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bau-cu-o-algeria-tong-thong-tebboune-nhieu-kha-nang-tai-dac-cu-204240905182806494.htm