Việt Nam giữ đà tăng trưởng bền vững, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.
Tại buổi chia sẻ trước thềm Hội nghị khu vực “UOB Gateway to ASEAN” sắp diễn ra tại TP.HCM vào ngày 6/9/2024, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) đánh giá cao tiềm năng kinh tế và giao thương của khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam nổi bật như một điểm đến quan trọng trong khu vực với triển vọng tích cực trong thời gian tới.
Đó cũng là lý do UOB chọn Việt Nam là quốc gia tổ chức Hội nghị khu vực thường niên của Ngân hàng trong năm nay sau khi đã tổ chức các năm trước ở Singapore và Indonesia.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore). |
Tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (GSO), GDP thực tế của Việt Nam đã tăng 6,93% so với cùng kỳ trong quý II/2024. Kết quả này không chỉ tiếp nối đà tăng từ mức 5,87% trong quý I/2024, mà còn vượt qua mức tăng 6,72% của quý IV/2023 và 4,05% trong cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức 3,84% của nửa đầu năm 2023.
Sự tăng trưởng này được củng cố nhờ vào sự phát triển đồng đều của cả hai lĩnh vực chính là sản xuất và dịch vụ. Trong quý II/2024, lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 10,0% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng ghi nhận sự tăng trưởng 7,1%. Đây là quý thứ 11 liên tiếp lĩnh vực dịch vụ có kết quả tích cực kể từ khi phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hoạt động ngoại thương của Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý II/2024, bất chấp những thách thức từ xung đột từ Nga – Ukraine và tình trạng gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ. Xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng 10,5% so với cùng kỳ trong tháng 6, trong khi nhập khẩu tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thặng dư thương mại đạt 11,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, gần bằng mức thặng dư 12,1 tỷ USD của cả năm 2022.
Việt Nam nổi bật như một điểm đến quan trọng trong ASEAN với triển vọng tích cực trong thời gian tới. |
“Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn tích cực, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo là 6% và có tiềm năng vượt hơn con số này. Sự lạc quan này dựa trên hiệu suất mạnh mẽ của các ngành như sản xuất, điện tử, đồ nội thất và ô tô. Bất chấp một số thách thức toàn cầu như lãi suất cao và nhu cầu chậm lại ở các thị trường phát triển, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam nổi bật là một trong những chỉ số cao nhất ở châu Á, cho thấy sự mở rộng liên tục”, ông Suan Teck Kin chia sẻ.
Ông Suan cũng nhận định tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025, đặc biệt là khi so sánh với mức tăng trưởng chậm hơn là 5% vào năm 2023.
Cùng chung nhận định với UOB, các tổ chức tài chính uy tín khác như ADP, WB, IMF cũng có dự báo khá lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay ở mức 6,0%-6,5%. Nếu đạt được con số 6,5% tăng trưởng GDP trong năm nay, Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN.
Tâm điểm thu hút đầu tư thế giới
Việt Nam là thành viên chủ chốt của ASEAN và đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về cả thương mại và Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên khắp khu vực.
“ASEAN hiện là điểm đến lớn thứ hai của FDI trên toàn cầu, sau Hoa Kỳ. Năm 2023, dòng vốn FDI đổ vào khu vực này tăng 1,2%, mặc dù FDI toàn cầu giảm 2%. Singapore, Indonesia và Việt Nam là những nước tiếp nhận FDI hàng đầu trong khu vực, với các khoản đầu tư chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản”, ông Suan nhận định,
Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025. |
Nhờ vào sự ổn định kinh tế, khả năng phục hồi mạnh mẽ, và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lâu dài, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN.
Dòng vốn FDI thực tế rót vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD năm 2022. Tính riêng từ đầu năm nay đến hết tháng 6, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Singapore, Nhật Bản, và Hồng Kông là những nguồn vốn đầu tư lớn nhất, trong đó lĩnh vực sản xuất và chế biến thu hút phần lớn sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Dòng vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) vào Việt Nam từ đầu năm đến tháng 6 đạt 10,8 tỷ USD, hơn gấp đôi so với mức 4,6 tỷ USD trong quý I năm 2024.
Số liệu này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xem Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn. Sự gia tăng của dòng vốn FDI sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong tương lai gần, bao gồm cả xây dựng và việc làm.
Bên cạnh đó, việc duy trì chính sách đầu tư mở và hỗ trợ từ chính phủ, kết hợp với sự phát triển đồng đều của các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tạo ra một bức tranh lạc quan cho triển vọng kinh tế của Việt Nam. Những yếu tố này không chỉ giúp Việt Nam duy trì sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mà còn khẳng định vai trò của quốc gia này như một trung tâm kinh tế chiến lược trong khu vực ASEAN.
Với tư cách là Ngân hàng có mạng lưới thương mại rộng lớn nhất ASEAN – UOB đóng vai trò kết nối và thúc đẩy sự hợp tác bền vững trong khu vực. Tận dụng mạng lưới rộng khắp khu vực và sự am hiểu sâu sắc tại địa phương, UOB cam kết mang đến các giải pháp tài chính sự hỗ trợ toàn diện để giúp các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội phát triển trong khu vực kinh tế năng động này.
Tìm hiểu thêm về sự kiện tại: events.searix.net/uobgta/
Nguồn: https://baodautu.vn/viet-nam-giu-da-tang-truong-ben-vung-tiep-tuc-la-diem-den-hap-dan-cho-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-d224087.html