Kết quả kinh doanh tích cực
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 của BCG Energy do PwC -công ty kiểm toán thuộc Big 4 toàn cầu kiểm toán. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2024 của BCG Energy tăng trưởng gần 22% và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gấp 33 lần. Sản lượng điện của BCG Energy trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 416,5 triệu kWh.
Sản lượng điện tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ 2023 nhờ Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ giai đoạn 2 công suất 114 MW được vận hành thương mại từ tháng 6/2023. Ngoài ra, các nhà máy điện mặt trời và các dự án điện mặt trời áp mái khác cũng ghi nhận hiệu suất hoạt động tích cực.
Doanh thu của BCG Energy trong nửa cuối 2024 dự kiến còn tiếp tục tăng trưởng nhờ vận hành thương mại một phần dự án điện mặt trời Krông Pa 2 có công suất 21 MW/49 MW tại Gia Lai, cùng với đó là sự đóng góp từ các dự án điện mặt trời áp mái đang được triển khai.
Chi phí tài chính công ty được tối ưu hóa, chi phí lãi vay giảm mạnh. Lợi nhuận dự kiến tăng do lãi chênh lệch tỷ giá sẽ được ghi nhận từ việc “giảm nhiệt” của tỷ giá đồng đô la Mỹ. Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản hợp nhất của BCG Energy đạt 19.964,8 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của công ty tăng nhẹ 7% lên 9.944,1 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản nợ liên quan đến việc xây dựng dự án điện rác Củ Chi tại Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa.
Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của BCG Energy tiếp tục được cải thiện qua các năm, từ mức 1,9 lần vào ngày 31/12/2022, giảm xuống còn 0,99 lần vào ngày 30/06/2024. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ 1,25 lần vào cuối năm 2022 xuống còn 0,64 lần vào giữa năm 2024. Những thay đổi tích cực này không chỉ giúp tăng cường năng lực tài chính của công ty mà còn giảm thiểu các rủi ro tài chính từ thị trường.
3 năng lực cốt lõi
BCG Energy thuộc top công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam. Những năm qua, BCG Energy đã phát triển dựa trên 3 năng lực cốt lõi: khả năng phát triển, quản lý và vận hành dự án; khả năng M&A và tái cấu trúc dự án sau M&A; và khả năng huy động vốn cho các dự án. Cuối tháng 7/2024, 730 triệu cổ phiếu của BCG Energy đã chính thức được giao địch trên sàn UPCoM. Nhiều tổ chức tài chính đánh giá cao tiềm năng của cổ phiếu BCG Energy do đây là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ Quy hoạch Điện VIII, sở hữu 8 dự án điện gió với tổng công suất lên đến 925 MW được ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), cho phép các nhà máy năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn, thay vì chỉ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam như trước đây. Với tổng công suất khoảng 600 MW điện mặt trời đã đi vào hoạt động, BCG Energy là một trong những doanh nghiệp năng lượng tái tạo hưởng lợi rất lớn từ cơ chế DPPA.
Hiện nay, BCG Energy đang triển khai xây dựng 550 MW điện gió. Công ty cũng vừa khởi công xây dựng Nhà máy điện rác Tâm Sinh Nghĩa tại huyện Củ Chi, TP.HCM, thời gian hoàn thành giai đoạn 1 nhà máy dự kiến vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026. Với công suất giai đoạn 1 đốt được 2.000-2.600 tấn rác/ngày, Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa sẽ giúp TP.HCM xử lý khoảng 20-25% tổng khối lượng rác thải của toàn thành phố mỗi ngày.
Với kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm 2024, BCG Energy có khả năng cao sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay. Loạt dự án năng lượng quy mô đang triển khai một khi đi vào hoạt động sẽ giúp BCG Energy gia tăng tổng công suất phát điện và củng cố vị thế của Công ty trong ngành năng lượng.
(Nguồn: BCG Energy)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bcg-energy-lai-290-7-ty-dong-trong-nua-dau-nam-2024-2318728.html