Anh cho biết, thời gian đầu chỉ trồng những chậu nhỏ, chủ yếu nghiên cứu các giống hoa để trải nghiệm. Nhưng dần có kinh nghiệm, gia đình từng bước mở rộng diện tích và số lượng cây trồng. Anh mua thêm chậu, làm giàn cao gần hai mét để trồng loại cây leo giàn, phía dưới để kệ trồng rau thông minh và thùng xốp linh động. Cây được chăm sóc chủ yếu phân bón hữu.
“Gia đình không dùng thuốc kích thích để chăm sóc. Các thành viên tranh thủ thời gian sáng sớm, chiều tối và cuối tuần để chăm sóc cũng như thu hoạch. Cây trồng ngoài mục đích thú vui thì còn sử dụng làm thức ăn trong gia đình, thậm chí tặng cho người thân, hàng xóm. Chưa kể, công việc kinh doanh áp lực nên khu vườn giúp anh có thêm không gian để thư giản” – anh Hoàng chia sẻ.
Cũng theo anh Hoàng việc trồng rau trên sân thượng thường rất khó khăn vì diện tích không lớn và cần đảm bảo vệ sinh môi trường. Bởi vậy, người trồng cần chú trọng đến việc bố trí, dọn dẹp và ưu tiên các loại cây thích ứng với điều kiện thời tiết. Thông thường các loại cây có thời gian ngắn và cần nghiên cứu về cách chăm sóc. Đặc biệt phải chọn đất sạch, không mầm bệnh, phân bón chất lượng và giống cây củ thương hiệu uy tín.
Anh Thái Văn Công (43 tuổi) cũng tận dụng khu đất trống trên đường Phước Lý (TP Đà Nẵng) để thực hiện niềm đam mê trồng hoa và cây ăn trái. Là người gốc Quảng Nam nhưng anh lại có sở thích làm vườn, yêu cây cối hơn 10 năm qua. Khuôn viên chủ yếu trồng các loại cây khó chăm và dễ chết như hoa dừa cạn, dạ yến thảo, thiên môn đăng, ớt xanh…
Dù bố trí nhiều loại cây khác nhau nhưng khu vườn của anh không hề đơn điệu, buồn tẻ mà trái lại sinh động. Mỗi giống cây với nhiều hình dáng, màu sắc đa dạng. Anh dành phần lớn thời gian cho khu vườn để chăm sóc cây, chủ yếu là tưới nước và bón phân.
Anh cho biết ban đầu làm vì đam mê nhưng càng về sau anh chuyển hướng thương mại. Vườn hoa bên cạnh phục vụ dịp Tết thì ngày thường vẫn có các đơn vị, tổ chức tìm đến đặt hàng mua biếu, tặng.
“Khuôn viên trước đây là bãi đất trống, bừa bộn nên tôi phải tốn rất nhiều chi phí để cải tạo, làm sạch và đầu tư thêm hạ tầng. Theo thời gian, khuôn viên trở nên có điểm nhấn, nhiều người biết đến và thân thiện với môi trường. Phân bón chủ đạo là dòng phân hữu cơ bởi giúp hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thiện với môi trường. Đây còn là nơi tạo công ăn việc làm cho khoảng 4-5 người” – anh Công chia sẻ.
Nhiều chính sách nhân rộng mô hình
Đà Nẵng hiện có tỷ lệ đô thị hóa lên đến 87,3%, cao gấp 2 lần bình quân của cả nước (42% vào năm 2022). Điều đó đồng nghĩa diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đây là điều kiện để người dân có những sự điều chỉnh và thích nghi với môi trường sống, hướng theo mô hình nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ sinh học.
Chị Nguyễn Thị Thu Sương – Chủ tiệm vật tư nông nghiệp Mai Ngân, cho biết người làm nông nghiệp tại Đà Nẵng đang ngày càng phổ biến và đa dạng về quy mô. Điển hình thời điểm trước và trong dịch Covid-19, người dân đã chú trọng nhiều hơn đến việc tận dụng không gian để trồng cây xanh, ăn quả nhằm phục vụ đời sống.
“Người dân có độ tuổi từ 30-40 tuổi đang có xu hướng gia tăng về việc trồng cây nông nghiệp. Bởi họ chú trọng đến sức khỏe, gần thiên nhiên và đảm bảo sức khỏe với những gì mình tự làm ra. Những khu vực có dân cư đông đúc, hiện đại thường quy mô không lớn nhưng được đầu tư công nghệ và phân bón đảm tiêu chuẩn. Các nhà phân phối vật tư vì vậy cũng cố gắng tìm hiểu, hợp tác để cho ra đời những dòng sản phẩm chất lượng” – chị Sương chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết để có rau sạch, nhiều hộ gia đình đã trồng cây vào chậu cảnh, hộp xốp, cải tạo cả tầng thượng thành khu vườn. Một số hộ áp dụng trồng rau theo phương pháp thủy canh trên ban công và sân thượng. Tại Đà Nẵng, việc phát triển nông nghiệp xanh trên không gian đô thị đang dần hình thành nhằm thỏa mãn đam mê, tạo khoản không gian xanh, tạo sản phẩm an toàn phục vụ bữa ăn gia đình.
Năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng ban hành Đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị và bền vững, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 197/QĐ-SNN ngày 24/5/2019). Năm 2024, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng tiếp tục xây dựng mô hình “Phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao trong không gian hẹp tại khu vực nội đô”… Giúp các hộ nông dân tự sản xuất được rau sạch phục vụ cho gia đình, đồng thời xây dựng mô hình mẫu, để cho các hộ dân khác có nhu cầu đến tham quan, học tập, nhân rộng.
Sản xuất cà chua công nghệ cao
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, địa phương đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng một số đề án, khuyến nông, mô hình nông nghiệp như Chương trình số 42-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Đối với khu vực nội đô, tập trung phát triển mô hình quy mô nhỏ trong đó khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các diện tích đất nhỏ nhằm tạo ra các mặt hàng rau, củ quả an toàn, nấm và sinh vật cảnh gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường, tạo mảng xanh sinh thái đô thị, gắn với du lịch và giáo dục ở khu vực trung tâm thành phố.
Riêng khu vực ngoại đô, thành phố tổ chức phát triển sản xuất theo hướng tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa giống chất lượng cao, lúa hữu cơ, rau ăn lá, nấm, hoa; cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa không chủ động nước tưới; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản, nấm, trồng rau, hoa; xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, trồng cây dược liệu, cây ăn quả.
Hiện nay, sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp đô thị của Công ty cổ phần Bình Điền – MeKong có bán tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp khu vực TP Đà Nẵng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/da-nang-chu-trong-xay-dung-nong-nghiep-do-thi.html