Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh đã ký quyết định cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập (bảo tàng tư nhân) đầu tiên của tỉnh Trà Vinh.
Đó là Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh, tọa lạc tại ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh do Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè đầu tư xây dựng trên diện tích tích hợp 800m, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 16 tỷ đồng.
Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh được khởi công vào tháng 3/2023, động thổ vào ngày 11/6/2023 và dự kiến khánh thành vào tháng 10/2024.
Công trình bao gồm 1 trệt và 2 lầu. Chủ đề chính của bảo tàng tập trung vào cây dừa sáp, từ lịch sử hình thành, phát triển của cây dừa sáp đến các hoạt động sinh hoạt của cộng đồng trồng dừa sáp, cũng như những sản phẩm chế biến từ trái dừa sáp.
Trong Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có trưng bày một bộ sưu tập đa dạng và phong phú, bao gồm các hiện vật liên quan đến cuộc sống và sinh hoạt của bà con huyện Cầu Kè (Trà Vinh), qua đó phản ánh lịch sử và văn hóa vô cùng đặc sắc.
Bộ sưu tập nổi bật với bức tượng sáp của hòa thượng Thạch Sô (người đem cây dừa từ Campuchia về chùa Chợ, huyện Cầu Kè trồng; do điều kiện khí hậu và đất đai nơi đây đã tạo ra giống dừa sáp bản địa hiện nay), gốc cây dừa sáp đầu tiên được đưa về Việt Nam từ 100 năm trước.
Thêm vào đó, Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh còn trưng bày những bức tranh khắc họa sinh động hoạt động thường ngày của nhà sư và cộng đồng dân tộc Khmer.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh là một địa chỉ văn hóa độc đáo, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè. Tại đây, có các không gian trưng bày, tái hiện lịch sử cuộc sống của đồng bào các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trên địa bàn tỉnh; trưng bày bộ sưu tập các hiện vật liên quan đến cây dừa sáp, các câu chuyện đời sống của cư dân dưới tán dừa.
Đây là cách làm hay, một bước quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của trái dừa sáp, đồng thời tạo dựng một không gian văn hóa đặc sắc cho cộng đồng. Đồng thời cũng là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng hiệu quả công trình được đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 1719.
Ngoài ra, bảo tàng dừa sáp ra đời góp phần làm phong phú thêm cho các sản phẩm văn hóa du lịch của huyện Cầu Kè nói riêng của tỉnh Trà Vinh nói chung, giúp cho người dân trên địa bàn tỉnh, du khách gần xa tìm hiểu về lịch sử cây dừa sáp và văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh Trà Vinh. Nơi đây cũng vừa là điểm giao lưu văn hóa giữa các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tập trong và ngoài nước.
Được biết, công trình được ra đời sau nhiều năm ấp ủ của anh Trần Duy Linh – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè. Ngoài việc nghiên cứu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, anh còn không ngừng sưu tập bổ sung các hiện vật trưng bày cho bảo tàng thêm phong phú.
Theo anh Linh, Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh không chỉ là một bảo tàng mở mà còn là một không gian văn hóa sống động, mỗi góc nhỏ đều là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
“Chúng tôi tự hào giới thiệu sự đa dạng văn hóa đặc trưng của cộng đồng Kinh, Hoa và Khmer qua các hiện vật và câu chuyện độc đáo về trái dừa sáp Trà Vinh, biểu tượng của sự đoàn kết và giao thoa văn hóa” – anh Linh nói.
Bảo tàng cũng là địa chỉ tri ân đặc biệt, ghi nhớ công lao của hòa thượng Thạch Sô, người đã đưa trái dừa sáp quý báu về Việt Nam cách đây hơn 100 năm, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa của quê hương.
Các hiện vật được đang khẩn trương sưu tập, bổ sung cho Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh. Việc làm này khắc họa mọi nỗ lực hợp tác, chia sẻ của công đồng dân cư huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Tuy công trình chưa hoàn thành nhưng đã có nhiều đoàn công tác đến tham quan, khám phá cũng như trải nghiệm tại Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh.
Nguồn: https://danviet.vn/ra-mat-bao-tang-dua-sap-dau-tien-tai-tra-vinh-20240829100757519.htm