Thị xã Sa Pa là một trong những điểm hút đông khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, với gần 123.000 lượt người; tổng doanh thu từ du lịch trong những ngày này đạt gần 420 tỷ đồng, tăng 93 tỷ đồng so với năm 2023.
Đỉnh Fansipan – nơi giao thoa đất trời.
Sa Pa đóng góp lớn cho ngành du lịch tỉnh Lào Cai. Theo số liệu mới nhất từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, toàn tỉnh đón khoảng 196.500 lượt khách, trong đó, khách nội địa đạt hơn 183.000 lượt, khách quốc tế đạt hơn 13.470 lượt (tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước).
Khu du lịch quốc gia Sapa trở thành “điểm đến vàng” mang lại nguồn thu lớn cho Lào Cai. Chỉ riêng cáp treo Fansipan Sapa trong 3 ngày đầu nghỉ lễ đón hơn 23.950 lượt khách, khu du lịch Cát Cát đón 20.080 lượt khách và các điểm du lịch cộng đồng đón trên 19.000 lượt khách. Du khách đến Sa Pa dịp này đặc biệt ấn tượng khi được chứng kiến lễ chào cờ trên đỉnh Fansipan vào sáng ngày Quốc khánh 2/9.
Người dân Sa Pa và du khách cùng nghiêm trang hướng lên cờ Tổ quốc.
Cũng trong kỳ nghỉ này, tổng doanh thu từ khách du lịch toàn tỉnh thu về đạt khoảng 606 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ khách quốc tế đạt 48 tỷ đồng, khách nội địa đạt 558 tỷ đồng.
Công suất phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai ước đạt trên 70%. Riêng thị xã Sapa với công suất phòng đạt khoảng 98% đối với các phân khúc từ 3 sao trở lên. Phân khúc hạng trung đạt khoảng 82%. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh homestay đạt khoảng 85%.
Nhiều du khách cảm nhận sự thiêng liêng khi được chứng kiến lễ chào cờ trên đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương.
Năm nay, số lượng khách tuy không cao bằng năm ngoái nhưng du khách lại tập trung ở Sapa để nghỉ dưỡng rất đông với thời gian lưu trú dài ngày và chi tiêu nhiều hơn. Qua đó giúp tổng doanh thu về du lịch tăng cao hơn so với cùng kỳ. Ông Hà Quốc Trung, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Du lịch cho biết đây là những tín hiệu rất đáng mừng đối với du lịch Sapa nói riêng và toàn tỉnh Lào Cai nói chung. Điểm đáng mừng tiếp theo là con số khách quốc tế đến với Sapa tăng 46%.
Fansipan đón hơn 23.950 lượt khách trong 3 ngày đầu nghỉ lễ.
So với các điểm du lịch khác trong toàn quốc, Sa Pa được nhiều du khách chọn lựa vì thời tiết mát mẻ, có đỉnh Fansipan, các ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín và nhất là Lễ hội Thu Vàng Sa Pa khai mạc ngay trước ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ.
Để kéo du khách đến Sa Pa trải nghiệm nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh, Ban Tổ chức Lễ hội Thu Vàng đã lựa chọn 5 trong số 11 sự kiện của chương trình Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 để tổ chức trong dịp này. Ngoài Lễ khai mạc là Đêm nhạc Sa Pa chào thu, Chương trình biểu diễn Xiếc nghệ thuật “Mường Hoa cổ tích”. Ngày hội văn hóa bản Mông, Lễ hội mùa vàng Bản Mây. Có thể nói, du khách đến đây ngày nào cũng có thể chứng kiến, hòa mình vào những hoạt động văn hóa nơi đây. Chuỗi chương trình sự kiện đã mang lại cho du khách những trải nghiệm ấn tượng, riêng có khi đến với Sa Pa.
Bản sắc văn hóa Sa Pa vẫn luôn thu hút khách du lịch. Những ngày này, các điểm du lịch chuẩn bị tốt các điều kiện, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và tự nhiên của Sa Pa vì vậy đã tạo được điểm nhấn thu hút khách. Bản Tả Van được nhiều du khách lựa chọn làm điểm đến sau khi chinh phục đỉnh Fansipan.
Tả Van mùa lúa chín.
Bản Tả Van nằm cách thị xã Sa Pa chỉ khoảng 12km, đương đi khá thuận tiện. Du khách có thể tự lái xe, hoặc thuê taxi, xe ôm để tới bản trải nghiệm mùa lúa chín. Tả Van không có sự náo nhiệt như ở trung tâm thị xã mà lại khá yên tĩnh, khung cảnh ruộng lúa chín vàng hòa lẫn với núi xanh và mây trắng khiến cho nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng.
Khi đặt chân đến Tả Van, khách du lịch thực sự ấn tượng bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng nơi đây. Những ruộng bậc thang trải dài xanh mơn mởn, thấp thoáng sắc vàng ruộm của những mảng lúa trĩu bông. Không khí ở Tả Van nói riêng và Sa Pa nói chung rất trong lành, dễ chịu. Nhiều du khách chọn cách đi bộ để vừa đi vừa khám phá khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ của Tả Van cũng như văn hóa dân tộc của bà con nơi đây.
Ẩm thực Sa Pa cũng thực sự tạo ấn tượng cho du khách. Các ngày 1-2/9, hầu hết các nhà hàng đều kín bàn. Những món ăn mang hương vị Sa Pa phần lớn được chế biến từ cá hồi, cá tầm, lợn bản, gà bản, lợn đen… được làm theo phong cách riêng, mang đậm dấu ấn Sa Pa. Tại khu chợ trung tâm Sa Pa hay các chợ dân sinh dọc đường đi từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa luôn tấp nập cảnh mua bán.
Món cá tầm nướng riềng Sa Pa.
Tuy khá đông khách đến Sa Pa nhưng do công tác an ninh trật tự được duy trì tốt trong thời gian nghỉ lễ nên đã không có trường hợp nào phản ánh đến đường dây nóng. Hoạt động vận chuyển khách vẫn diễn ra bình thường. Dù vậy trong các ngày cao điểm vẫn có tình trạng ép giá dịch vụ (xe ôm, taxi, xe điện). Ngoài ra, tình trạng ách tắc giao thông cục bộ vẫn diễn ra tại một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thị xã, đặc biệt là khu vực sân quần – trung tâm Sa Pa.
Tại chợ trung tâm Sa Pa, rau xanh là mặt hàng được bán chạy nhất.
Dù chỉ trong 4 ngày, lượng khách đổ dồn về Sapa có thời điểm gây ra tình trạng tắc nghẽn quá tải, nhưng ông Trung nhận định “tình hình vẫn được kiểm soát tốt và không để xảy ra bất cứ vấn đề an ninh, an toàn”.
Nhằm thu hút khách trong nước cũng như quốc tế, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo, định hướng phát triển du lịch bền vững với mục tiêu “xanh, thông minh, khác biệt”. Sapa dự kiến sẽ đưa ra những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, trong đó có những khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc để hút khách như không gian trưng bày văn hóa 5 dân tộc: Mông, Tày, Giáy, Dao, Xa Phó; con đường thổ cẩm và hoa; tái hiện quy trình thổ cẩm thêu tay; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của từng dân tộc, trình diễn văn nghệ, trò chơi dân gian./.
Bài, ảnh: Q.Liên