Các nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch ở thành phố Melbourne (Australia) đạt được bước đột phá khi tạo ra các tế bào gốc tạo máu được nuôi trong phòng thí nghiệm gần giống với các tế bào trong cơ thể con người (ảnh). Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới có thể giúp tìm ra các phương pháp điều trị một số chứng rối loạn. Các tế bào gốc tạo máu này có thể cấy ghép được, mở ra cơ hội điều trị cho trẻ em mắc bệnh bạch cầu và rối loạn suy tủy xương.
Nhóm nghiên cứu đã tiêm tế bào gốc tạo máu được tạo ra trong phòng thí nghiệm vào những con chuột bị suy giảm miễn dịch. Họ phát hiện các tế bào này đã trở thành tủy xương có chức năng ở mức độ tương tự như trong các ca cấy ghép dây rốn. Họ cũng phát hiện các tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể được đông lạnh trước khi cấy vào chuột, mô phỏng quá trình bảo quản tế bào của người hiến tặng trước khi cấy vào bệnh nhân. Theo Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, việc phát triển các tế bào máu dành riêng cho từng bệnh nhân sẽ ngăn ngừa các biến chứng của việc cấy ghép từ người hiến tặng cho bệnh nhân.
PHƯƠNG NAM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dot-pha-trong-phat-trien-te-bao-goc-tao-mau-post757241.html