(Dân trí) – Tại một con ngõ nhỏ trên đường Phan Bội Châu, thành phố Huế có khu lăng mộ và nhà thờ của 2 vị Đệ nhất và Đệ nhị tổ sư nghề kim hoàn Việt Nam.
Khu lăng mộ nhị vị Tổ sư nghề kim hoàn Việt Nam nằm tại kiệt 175 đường Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là nơi yên nghỉ của 2 cha con ông Cao Đình Độ (1744-1810) – Đệ nhất tổ sư và ông Cao Đình Hương (?-1870) – Đệ nhị tổ sư nghề kim hoàn.
Khu lăng mộ này được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận di tích văn hóa quốc gia năm 1990.
Tính theo hướng mặt tiền nhìn vào, mộ vị Đệ nhất tổ sư Cao Đình Độ nằm bên trái của khu lăng mộ, gồm 4 trụ biểu phía trước, 2 vòng la thành, bình phong trước, sau, nhà bia, án thờ và phần huyệt mộ nằm ở trung tâm.
Lăng mộ Đệ nhị tổ sư Cao Đình Hương nằm ở phía bên phải từ ngoài nhìn vào.
Hai ngôi mộ cách nhau 100m và được định hướng Đông, Tây, Nam, Bắc theo la bàn cổ. Kiến trúc nghệ thuật hai lăng mộ tổ xây dựng tương đối giống nhau theo kiểu nội công, ngoại quốc, đây là kiến trúc văn hóa đặc trưng của triều Nguyễn.
Các nghệ nhân sử dụng những mảnh sành sứ, thủy tinh để tạo họa tiết trang trí lăng mộ.
Lăng mộ hai vị tổ nghề được những người thợ kim hoàn lập nên để tôn vinh và nhớ ơn công lao của hai ông trong việc truyền bá nghề kim hoàn ở vùng đất Huế và lan tỏa khắp ba miền đất nước.
Nhà thờ được xây dựng năm 2015 theo kiến trúc nhà rường đặc trưng của Huế. Hệ thống sân, vườn, cổng cũng được tôn tạo, trùng tu lại cho khang trang, sạch đẹp hơn.
Bà Lê Thị Thuận (60 tuổi), người trông coi khu lăng mộ 2 vị tổ sư nghề kim hoàn, cho biết trước đây nơi này chỉ có 2 phần mộ và khoảnh đất trống. Gia đình bà có thời gian tận dụng để trồng rau.
Sau khi khu lăng mộ trùng tu, tôn tạo, bà Thuận được thuê bảo vệ, mở cửa đón khách tham quan.
Bên trong không gian thờ phụng 2 vị tổ sư nghề Kim hoàn tại Huế.
Theo bà Thuận, hằng năm, lễ tế tổ nghề kim hoàn Việt Nam diễn ra vào ngày 7/2 Âm lịch. Lễ giỗ tổ nghề được tổ chức rất qui mô, quy tụ rất nhiều người trong ngành kim hoàn, không chỉ riêng ở Huế mà từ các tỉnh, thành trong cả nước cũng về dự.
Trong những năm trở lại đây, hoạt động tế tổ bách nghề, trong đó có nghề kim hoàn, đã trở thành một hoạt động đặc sắc của Festival nghề truyền thống Huế, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.
Ngoài khu lăng mộ tại phường Trường An, còn có từ đường họ Kim Hoàn tọa lạc tại số 7 chùa Ông, phường Phú Cát (thành phố Huế). Công trình cũng được công nhận là di tích văn hóa quốc gia và còn lưu giữ nhiều bản sắc phong của các vua triều Nguyễn cho hai vị tổ nghề.
Tại làng Kế Môn, xã Điền Môn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng có những công trình liên quan đến tổ nghề kim hoàn.
Theo sử sách, sau khi rời quê hương Thanh Hóa vào xứ Thuận Hóa, gia đình ông Cao Đình Độ đã chọn vùng đất Kế Môn làm nơi lập nghiệp, truyền nghề. Tại đây, Đệ nhất tổ sư nghề kim hoàn không chỉ truyền dạy nghề cho con mình mà còn truyền cho một số học trò thuộc hai họ Huynh Công và Trần Mạnh.
Về sau, hai họ Huynh, Trần tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu. Hoạt động truyền nghề đó đã biến làng Kế Môn thành làng thợ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong.
Theo tư liệu lịch sử, vị Đệ nhất tổ sư Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở thiếu thời ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục Nho giáo. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng (tức là hàn khay gãy, bịt chén bể…), sau đó theo học nghề chạm trổ vàng bạc với những thợ kim hoàn người Hoa ở Thăng Long (Hà Nội).
Với tư chất thông minh, lanh lợi, tay nghề của ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo, đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.
Năm Quý Mão (1783), ông Cao Đình Độ đưa vợ con nam tiến và dừng chân lập nghiệp tại làng Kế Môn (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập đội Cơ vệ Ngân tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung đình. Trước công đức và những đóng góp lớn lao đó, ông được triều đình phong chức Lãnh binh, phó Lãnh binh là Cao Đình Hương.
Đến khi Nguyễn Ánh chiếm lại đất Thuận Hóa – Phú Xuân, lập nên vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong Kinh thành.
Vào ngày 27 tháng 2 năm Canh Ngọ (28/2/1810), ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi, được nhà vua và triều đình truy phong tước hiệu: “Đệ nhất tổ sư”, ban đất xây lăng mộ như các quan đại thần tại ấp Trường Cởi (nay là phường Trường An, thành phố Huế).
Ngày 7 tháng 2 Âm lịch (8/2/1821), ông Cao Đình Hương qua đời, hưởng thọ 48 tuổi, được vua Minh Mạng phong tước hiệu: “Đệ nhị tổ sư”, phần mộ được an táng bên cạnh mộ phần tổ phụ tại ấp Trường Cởi.
Gần 100 năm sau khi hai ngài qua đời, đến triều Khải Định thứ 9 (năm 1924), nhân dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh Tiết, xét hai ngài có nhiều công lao trong việc truyền bá nghề kim hoàn nên nhà vua hạ chiếu sắc phong: “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần” vào ngày 25/7/1924. Đến đời vua Bảo Đại thứ 13 (năm 1938), hai ông tiếp tục được sắc phong cho người có công khai sáng ngành Kim hoàn Việt Nam và khu lăng mộ được kiến tạo, trùng tu đạt giá trị nghệ thuật cao.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/du-lich/khu-lang-mo-cua-2-cha-con-vi-to-su-nghe-kim-hoan-viet-nam-20240901123629436.htm