7 tháng đầu năm 2024, cả nước tiêu thụ gần 32 triệu tấn xi măng, giảm so với cùng kỳ
Theo số liệu từ Báo cáo ngành xi măng, lượng tiêu thụ xi măng nội địa trong 7 tháng năm 2024 đạt gần 32 triệu tấn, vẫn giảm 4% so với mức nền thấp kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái.
|
Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu…là những nguyên nhân chính kéo giảm nhu cầu tiêu dùng xi măng.
Theo số liệu từ Báo cáo ngành xi măng, lượng tiêu thụ xi măng nội địa tháng 7/2024 ước đạt 4,65 triệu tấn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng luỹ kế 7 tháng năm 2024 vẫn giảm 4% so với cùng kỳ, đạt gần 32 triệu tấn.
Kênh xuất khẩu cũng không khả quan hơn, khi sản lượng xấp xỉ cùng kỳ năm trước với 18,4 triệu tấn nhưng do giá xuất khẩu xuống thấp nên trị giá giảm mạnh, chỉ thu về 705 triệu USD, bằng 87,5% mức thực hiện cùng kỳ.
Ước tính, giá xi măng xuất khẩu tiếp tục giảm trong tháng 7, ở mức 38,8 USD/tấn, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA)cho biết, thời điểm hiện tại, đầu ra ở thị trường nội địa rất khó khăn, do thiếu vắng các dự án bất động sản, các dự án nhà ở xã hội chưa triển khai nhiều, cạnh tranh khốc liệt về giá bán giữa các nhà sản xuất trong nước…
3 năm trở lại đây, ngành vật liệu xây dựng trong đó có xi măng gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng. Các dây chuyền hoạt động toàn ngành chỉ đạt 75% công suất thiết kế, riêng năm 2023 có 42 dây chuyền phải ngừng sản xuất từ 1-6 tháng, trong đó một số dây chuyền phải dừng cả năm
Bộ Xây dựng, VNCA đã kiến nghị các giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, trong đó giải pháp chung là đẩy mạnh đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tăng cường triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; tăng đầu tư đường bê tông xi măng …
Mới nhất, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần bám sát thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.
Đó là đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển và hải đảo; triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, ưu tiên đầu tư đường bê tông xi măng trong phát triển đường giao thông nông thôn miền núi, khu vực địa hình khó khăn…
Các doanh nghiệp ngành xi măng kỳ vọng hình sản xuất bán hàng sẽ sôi động vào giai đoạn cuối năm, nhờ vào đầu tư công được đẩy mạnh và phân khúc xây dựng dân dụng phục hồi trở lại.
Cùng đó, ngành xi măng cũng mong chờ vào chỉ đạo của Thủ tướng, giao Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế về xuất khẩu sản phẩm clinker, xi măng để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này, gỡ khó cho xuất khẩu.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/7-thang-dau-nam-2024-ca-nuoc-tieu-thu-gan-32-trieu-tan-xi-mang-giam-so-voi-cung-ky-d223782.html