Những ngày này, vợ chồng bà Đặng Hương Lan (63 tuổi) ở ngõ 73 phố Hàng Than tất bật chế tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi để kịp cung ứng ra thị trường vào dịp Trung thu.
Bà Lan cho biết, làm mặt nạ giấy bồi là nghề gia truyền. Từ năm 19 tuổi bà đã được bố mẹ chỉ bảo cách làm một mặt nạ, đặc biệt tất cả các công đoạn đều làm thủ công.
Theo bà Lan, sau khi hoàn chỉnh các bước tạo mặt nạ là đến công đoạn phơi nắng, không được dùng máy sấy nhằm tránh làm biến dạng, cong vênh và bước làm sau cùng là tô màu trang trí từng mặt nạ.
“Mỗi ngày làm được khoảng 12 chiếc mặt nạ, đối với những chiếc mặt nạ như đầu lân, đầu sư tử,… có kích thước lớn mất nhiều thời gian làm hơn. Mỗi mùa Trung thu, là có trên 2.000 chiếc mặt nạ được làm hoàn chỉnh bán đến tay khách hàng”, bà Lan cho biết thêm.
Cũng theo bà Lan, việc duy trì nghề làm mặt nạ giấy bồi không chỉ đơn thuần nhằm mục đích kinh tế, mà còn mang ý nghĩa bảo tồn và truyền tải tinh hoa của một nghề truyền thống vì thế tiếp tục làm mặt nạ giấy bồi đến ngày sức khỏe không cho phép.
Là một khách hàng thân thiết, chị Nguyễn Bích Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi truyền thống, không độc hại đã từng gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ của chị và hiện tại chi luôn ưu tiên mua cho các con của mình để chơi.
Theo chị Ngọc, những năm gần đây, mẫu mã của sản phẩm mặt nạ giấy bồi rất đa dạng, phong phú hơn, tạo cho các trẻ em thêm yêu thích, thỏa sức lựa chọn.
“Từng chiếc mặt nạ giấy bồi được các con sử dụng vào dịp Trung thu cũng chính là để góp phần lưu giữ nét văn hóa dân gian của ông cha ngày trước”, chị Ngọc cho biết thêm.
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh, chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, Trung thu năm nào cũng có khách hỏi mua mặt nạ giấy bồi, mỗi dịp như vậy bán được hơn trăm chiếc, luôn thiếu hàng bán do mặt nạ giấy bồi của nhà bà Lan có số lượng rất hạn chế.
Theo anh Mạnh, đối với những du khách lớn tuổi hoặc những người đã có trải nghiệm với văn hóa truyền thống từ nhỏ, những chiếc mặt nạ giấy bồi có thể gợi lại những ký ức đẹp, mang lại cảm giác hoài cổ.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/giu-nghe-lam-mat-na-giay-boi-1388925.ldo