Thị trường khoa học, công nghệ trầm lắng
Mỗi năm cả nước có hàng ngàn kết quả nghiên cứu khoa học, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân… Nhiều kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng lớn, vì xuất phát từ bài toán thực tiễn sản xuất. Đây là nguồn tài sản trí tuệ rất lớn đóng góp vào các kết quả nghiên cứu, sáng chế phục vụ khai thác thương mại, phát triển sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại hóa các nghiên cứu khoa học vào thực tế lại còn nhiều hạn chế. Vẫn còn không ít DN, nhà đầu tư gặp khó khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện đang tồn tại một nghịch lý là DN cần công nghệ, trong khi viện nghiên cứu, trường đại học có kết quả nghiên cứu nhưng không chuyển giao được. Do đó, nhiều tài sản trí tuệ chỉ nằm trên giấy.
Luôn trăn trở để những nghiên cứu khoa học có giá trị trong thực tiễn, TS. Hoàng Văn Hà – Khoa Hoá học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, các nhà khoa học rất muốn thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Tuy nhiên, các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong việc kinh doanh, gọi vốn, bán hàng.
Ở góc độ DN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An Trương Văn Hiền chỉ ra, trong quá trình sản xuất kinh doanh, DN có nhiều vấn đề nảy sinh rất cần sự 3 tư vấn, hỗ trợ, đồng hành của nhà khoa học. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin, thiếu kênh kết nối khiến DN và nhà khoa học chưa đến được với nhau. Điều khó nhất chính là khớp được những gì người làm khoa học đang có và những gì khách hàng đang cần.
Đồng quan điểm, TS. Trịnh Hòa, đồng sáng lập công ty nhựa sinh học Buyo cho rằng, một dự án thương mại hóa cần đội ngũ đủ mạnh, vừa có tri thức vừa có kinh nghiệm thị trường. DN có nguồn lực tài chính để đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, nhưng thiếu đội ngũ nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển thêm các sản phẩm đang có. Do đó, DN cần hợp tác với nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu.
Chia sẻ về những bất cập trên thị trường khoa học, công nghệ hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Hoàng Đức Thảo cho biết, phía DN mong muốn nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu phát triển ra sản phẩm mới với chi phí thấp nhất, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Ngược lại, nhà khoa học cho rằng, việc đánh giá các sáng chế, giải pháp hữu ích và sự tham gia của họ vào quá trình hợp tác DN cần thỏa đáng. Công sức của nhà khoa học thông qua các tài sản trí tuệ cần được định lượng bằng giá trị vật chất tương xứng, để động viên đội ngũ nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu tính đúng về giá trị kinh tế, trong nhiều trường hợp nằm ngoài tầm DN, nên khó đáp ứng nhà khoa học.
Hiện DN khoa học, công nghệ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập DN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, thủ tục và hồ sơ để thụ hưởng chính sách ưu đãi này theo hướng dẫn tại Thông tư số 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập DN đối với DN khoa học vẫn còn rất phức tạp, gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận chính sách. Bên cạnh đó, DN khoa học, công nghệ muốn vay vốn ưu đãi, mặc dù có tài sản đảm bảo nhưng không có cơ hội tiếp cận, không biết có tổ chức nào tập huấn, đào tạo và hướng dẫn phương pháp, bước đi cách làm hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến ưu đãi DN khoa học, công nghệ.
Kết nối cung – cầu
Một thị trường khoa học, công nghệ phát triển mạnh sẽ góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, việc tìm giải pháp hỗ trợ thương mại hóa các nghiên cứu khoa học là điều cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Trong đó, quan trọng nhất là kết nối 2 chủ thể là bên “cung” (viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học…) với bên “cầu” là các DN.
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, việc tăng cường hợp tác giữa nhà khoa học, nhóm nghiên cứu với các DN rất quan trọng. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia để gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và giải quyết các bài toán thực tiễn. Có như vậy các kết quả, sản phẩm tạo ra mới nhanh chóng được áp dụng trong thực tiễn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Còn theo Giám đốc BK-Holdings Nguyễn Trung Dũng, bản thân các trường đại học cần phải có một tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo để thúc đẩy lĩnh vực này ở cấp độ nhà trường. Đa phần ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở mức độ đầu tiên là sử dụng một đơn vị sẵn có ở trong nhà trường để thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo. Để đáp ứng được yêu cầu cấp thiết hiện nay, các mô hình hỗ trợ đổi mới sáng tạo như tư cách là DN hoặc liên doanh với trường để đảm nhận hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo là định hướng phù hợp.
Ở góc độ nhà quản lý, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế phù hợp để tăng cường gắn kết giữa viện – trường – DN để hình thành và phát triển lực lượng DN khoa học và công nghệ, DN khởi nghiệp tại Việt Nam. Từ đó thúc đẩy việc ứng dụng, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được tạo ra từ viện nghiên cứu, trường đại học, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, đặc biệt là tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/de-nghien-cuu-khoa-hoc-khong-chi-nam-tren-giay.html