Hình như, người ta đã quá quen với khái niệm “Thu Hà Nội và cốm làng Vòng”. Nhưng mùa thu này, nếu đón mùa vàng vùng cao, du khách hãy nghe theo tiếng chày giã cốm nơi bản làng để tìm hiểu về một món ngon ăn chơi nhưng lại đong đầy cảm xúc mộc mạc từ ruộng nương, núi rừng.
Trên khắp những nẻo đường Tây Bắc, Đông Bắc, ở đâu có lúa nếp mùa mới, ở đó bà con khẩn trương gặt hái, sàng sảy rồi nhịp nhàng giã cốm để cho ra những hạt ngọc xanh mang hương thơm của đồng nội, của nương đồi mùa thu.
Cung đường lên Yên Bái mùa vàng lúc nào cũng níu chân du khách, nhất là khi đi qua thị trấn Tú Lệ (huyện Văn Chấn). Thị trấn mang cái tên đẹp này nằm nép mình trong thung lũng giữa ba ngọn núi cao là Khau Song, Khau Phạ và Khau Thán.
Bà con ở đây từ nhiều đời đã nương theo địa hình để canh tác lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Trong những giống lúa tẻ, lúa nếp được canh tác ở Tú Lệ thì có giống lúa nếp cổ truyền được xếp hạng ngon bậc nhất Việt Nam với những đặc tính quý như dẻo thơm, ngon ngậy, đậm đà.
Chính giống lúa một năm chỉ được gieo cấy một vụ này làm nên đặc sản nức tiếng “nếp Tú Lệ”. Và tất nhiên rồi, nếp ngon thì cốm cũng ngon.
Cứ từ khoảng giữa tháng 8 đến giữa tháng 10, khi bà con bắt đầu thu hoạch lúa nếp cũng là lúc các “lò cốm” hoạt động nhộn nhịp khắp các thôn bản. Cũng không cần đi quá xa mà chúng tôi ghé ngay vào một nhà dân ven đường trung tâm thị trấn có trưng biển “Cốm Tú Lệ” để tìm hiểu cách làm của họ.
Bà con người Thái ở đây rất hiếu khách, lúc nào cũng thường trực nụ cười khi trò chuyện với khách phương xa. Họ kể rằng lúa chọn làm cốm phải được thu hoạch từ tinh mơ, khi bông lúa đang thấm đẫm sương đêm.
Những bông lúa trĩu trịt mang hạt to tròn, chắc mẩy, vỏ màu lam vàng, đầu hạt còn nguyên chút sữa. Lúa nếp mang về nhà được sơ chế: tuốt, sàng, đãi qua nước sạch rồi rang trên chảo gang.
Có lẽ công đoạn rang thóc là khâu quan trọng nhất khi người rang phải dùng kinh nghiệm của mình để canh nhiệt, chú ý thời gian và đảo đều tay liên tục để hạt từ từ tách lớp vỏ trấu. Sau đó, chúng sẽ được tãi ra cho nguội và đưa vào cối giã. Chiếc cối giã thô mộc nhưng lại cuốn hút những vị khách từ miền xuôi khiến ai cũng thích thú xin làm thử.
Cối giã bằng đá cùng trụ đập được làm từ gỗ, truyền lực theo thanh ngang được điều khiển bằng chân. Một người đạp chân để trụ gỗ giã vào cối đá còn một người đảm nhiệm đảo cốm trong cối cho đều. Cứ thế nhịp nhàng cho đến lúc thóc nứt hết vỏ, những hạt cốm xanh tròn, dẹt đều được đưa ra sàng sảy lần cuối để đóng gói thành phẩm trong lớp lá dong xanh mướt. Các vị khách thích thú khi được nhón tay thử những hạt cốm vừa ra lò còn ấm, thơm ngon, dẻo mềm. Chẳng ai bao ai, tất cả cùng mua rất nhanh như sợ hết mất thứ quà ngon này. Cốm Tú Lệ nức tiếng gần xa, nhờ vậy mà bà con nơi đây có thêm thu nhập và động lực để mở rộng diện tích trồng trọt, sản xuất. Với bà con ở Tú Lệ, làm cốm không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là sinh kế để có cuộc sống ấm no hơn.
Tạp chí Heritage
Nguồn:https://www.facebook.com/photo/?fbid=837911785116646&set=pcb.837911875116637