Việc bố trí đủ vốn nhà nước tham gia Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đang là bài toán khó khi ngân sách trung ương và địa phương chưa thể bố trí cho Dự án.
Sơ đồ hướng tuyến Vành đai 4 TP.HCM. |
“Nút thắt” vốn
Theo báo cáo mới đây của Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM gửi UBND Thành phố, do tổng mức đầu tư của Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM lên đến 128.063 tỷ đồng, nên trong quá trình nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, các địa phương gặp một số vướng mắc, như chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện Dự án, chưa có cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để đầu tư các cây cầu nối 2 địa phương.
Bên cạnh vấn đề về cơ chế, “nút thắt” lớn nhất tại Dự án mà các địa phương lo ngại là nguồn vốn nhà nước tham gia khá lớn (trên 50% tổng mức đầu tư), trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang gặp khó khăn, nên khó cân đối để đầu tư.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất, Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu 50% chi phí giải phóng mặt bằng, dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng và xin bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025, còn TP.HCM sẽ tự lo.
Riêng tỉnh Long An, ông Mãi đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia Dự án – khoảng 28.400 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí 6.700 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, phần còn lại bố trí trong giai đoạn 2026-2030.
Về cơ chế, Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất, có thể vận dụng cơ chế tương tự đường Vành đai 3 để xây dựng đường Vành đai 4, có thể chia sẻ ngân sách cả trung ương và địa phương. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế để địa phương này sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ cho địa phương khác.
Có thể phát hành trái phiếu
Liên quan đến kiến nghị của Chủ tịch UBND TP.HCM về việc bố trí vốn cho Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các kiến nghị của TP.HCM và các địa phương là hợp lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, Kế hoạch vốn trung ương giai đoạn 2026-2030 chưa được Quốc hội phê duyệt, nên chưa xác định được nguồn vốn cho Dự án. Vì vậy, có thể tách dự án này thành dự án riêng, không đặt vào kế hoạch sử dụng ngân sách trung ương và có thể phát hành trái phiếu riêng của Dự án, rồi các tỉnh đi vay và sau này tự trả.
Ở góc độ của bộ chủ quản chuyên ngành, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, trong trường hợp ngân sách trung ương gặp khó khăn thì phải có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực xã hội hóa. Các dự án hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ có sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, vì thế, cần có cơ chế, chính sách linh hoạt, đa dạng để tháo gỡ về nguồn vốn.
Cùng với các giải pháp mà các bộ gợi ý, một giải pháp huy động vốn được các địa phương đề xuất là cho phép các tỉnh có Dự án đi qua được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tương tự khoản 2, Điều 6, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM). Từ đó, các địa phương có thể điều chỉnh quy hoạch để đấu giá các khu đất dọc các tuyến cao tốc, sau đó lấy vốn để đầu tư trở lại cho Dự án đường Vành đai 4.
Theo kế hoạch được TP.HCM thống nhất với các địa phương, Thành phố sẽ chủ trì xây dựng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng chung cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 để trình cấp thẩm quyền thẩm định trong tháng 8/2024. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải và các bộ, ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024.
Nguồn: https://baodautu.vn/bai-toan-kho-tai-du-an-duong-vanh-dai-4-tphcm-d223669.html