Theo Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, công tác đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương.
Năm 2023, trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 134/136 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 98,5%. Nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật trong cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ sở từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ vẫn còn một số hạn chế, như tài liệu đánh giá một số đơn vị cấp xã chưa đúng quy định; việc chấm điểm một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa đồng bộ, thống nhất, chưa sát với thực tế; việc triển khai công tác tiếp cận pháp luật một số địa phương còn bị động, chưa bố trí kinh phí để triển khai các tiêu chí tiếp cận pháp luật…
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Ngà cho rằng, đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước ở cấp cơ sở và phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Vì vậy, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới, việc tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã rất có ý nghĩa, để đội ngũ này tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được đúng quy định.
Trong quá trình tập huấn, các báo cáo viên pháp luật đã hướng dẫn thực hiện những nội dung mà địa phương chưa rõ, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp.
Bên cạnh việc hướng dẫn nội dung các tiêu chí, cách thức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; báo cáo viên còn đưa ra các ví dụ, tình huống minh họa cụ thể trong đánh giá chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu gắn với chuyên môn nghiệp vụ của công chức cấp cơ sở, như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Bằng việc tăng cường tương tác, thảo luận, báo cáo viên đã giải đáp nhiều vấn đề mà địa phương cần để triển khai trên thực tế. Các đại biểu mạnh dạn phát biểu ý kiến, thảo luận sôi nổi, bày tỏ vấn đề còn băn khoăn, nêu rõ cách tiếp cận và áp dụng các quy định để thực hiện nhiệm vụ.
Thông qua Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực, nhất là phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hội nghị tập huấn cũng là diễn đàn để đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương chia sẻ, học tập kinh nghiệm để triển khai tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/an-ninh-co-so/vinh-phuc-134-136-xa-phuong-thi-tran-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-i386726/