Bệnh thấp tim gây ảnh hưởng đến 40,5 triệu người vào năm 2019, gây ra khoảng 1,1 triệu trường hợp suy tim và 320.000 trường hợp tử vong hàng năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Phúc (66 tuổi, Hà Nội) bị thấp tim lâu năm dẫn tới hẹp van hai lá, suy tim, đe dọa tính mạng, được phẫu thuật thay van sinh học kéo dài sự sống.
PGS.Ước trong một ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị thấp tim. |
Trước đó, bà Phúc từng cắt tuyến giáp bán phần năm 2015 dẫn tới suy giáp sau mổ, bị rung nhĩ cơn, điều trị thuốc không thường xuyên.
Tháng 6/2023, người bệnh tai biến nhồi máu não đa ổ, di chứng yếu nửa người phải, được cấp cứu tại bệnh viện. Bác sỹ ghi nhận bệnh nhân hẹp van hai lá khít, hở van hai lá nhẹ – vừa, hở van động mạch chủ nhẹ, rung nhĩ cơn, tăng huyết áp, suy giáp, được chuyển sang khoa Tim mạch điều trị nội khoa.
Tháng 4/2024, bà Phúc tái khám, lúc này van hai lá hẹp nặng, suy tim mức độ 2, khoa Tim mạch hội chẩn liên chuyên khoa thống nhất giải pháp mổ tim hở để thay van hai lá.
Bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, hiện tại sau đợt rung nhĩ nhịp trở về nhịp xoang đều, do đó bác sỹ sử dụng van sinh học thế hệ mới nhất thay thế van hai lá. Van nhân tạo này có hiệu năng về huyết động tốt hơn và độ bền tốt hơn so với các loại van sinh học trước đây.
PGS-TS.Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, do bệnh nhân Phúc bị thấp tim từ lúc trẻ, bệnh tiến triển nặng dẫn đến hẹp khít van hai lá.
Hiện tại bệnh nhân đã có tuổi, tổn thương van tim vĩnh viễn này cần được xử lý sớm tránh tình trạng trầm trọng hơn, cộng thêm suy tim nặng, nguy cơ cao tử vong, dù có can thiệp phẫu thuật thì tỷ lệ thành công thấp.
Êkíp tiếp cận tim người bệnh bằng đường mổ trên ngực, cho ngừng tim và sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể – CEC để thay thế hoạt động của tim trong cuộc mổ.
Van tim bị bệnh được cắt bỏ, thay bằng van sinh học mới, đảm bảo chính xác, an toàn và trạng thái hoạt động tốt. Sau khi đã hoàn thành việc thay van tim, êkíp phẫu thuật khởi động tim đập trở lại trước khi ngừng CEC.
PGS.Ước cho biết bệnh nhân có vóc dáng nhỏ bé, cao 1m53 và nặng 52kg, van tim chủ yếu hẹp khít nên các buồng tim giãn không nhiều, phẫu thuật viên thao tác khó khăn.
Có khoảng 5-6 đường vào van hai lá nhưng đều nhỏ, phẫu thuật viên phải lựa chọn đường vào qua hai nhĩ – tuy phức tạp hơn song cho phép nhìn rõ van bệnh lý nhất. Khi lựa chọn kích cỡ van tim nhân tạo người bệnh cũng chỉ vừa với van số 25 – loại van nhân tạo hai lá nhỏ nhất của thị trường thông thường hiện nay trên thế giới.
Mặc dù gặp một số bất lợi trong quá trình phẫu thuật song ca mổ thay van hai lá sinh học diễn ra rất thành công, ngăn chặn diễn tiến suy tim, tiên lượng sống cao và lâu dài cho bệnh nhân.
Siêu âm kiểm tra sau mổ cho thấy van tim hoạt động rất tốt, hiệu năng cao dù có kích cỡ nhỏ, phù hợp với ưu thế của thế hệ van sinh học mới.
Theo PGS.Ước, việc lựa chọn thay van hai lá sinh học giúp bà Phúc giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Người bệnh duy trì thuốc chống đông trong khoảng 1-2 tháng sau phẫu thuật, không cần dùng thuốc chống đông cả đời như van cơ học, về lâu dài có thể sinh hoạt như người bình thường.
Bà Phúc phục hồi nhanh, không có biến chứng, hiện tại đã hết khó thở, tinh thần vui vẻ, việc sử dụng thuốc phòng chống loạn nhịp cũng cho kết quả tốt, nhịp tim đều.
Bệnh thấp tim xảy ra sau khi người bệnh bị nhiễm liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A, biểu hiện bằng những tổn thương ở tim, khớp và mạch máu. Mặc dù biểu hiện lâm sàng ở nhiều cơ quan song tổn thương ở tim là nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong.
Bệnh thấp tim gây ảnh hưởng đến 40,5 triệu người vào năm 2019, gây ra khoảng 1,1 triệu trường hợp suy tim và 320.000 trường hợp tử vong hàng năm.
Khoảng 3% số trẻ 5 – 15 tuổi mắc viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A sẽ bị thấp tim, đây cũng là nhóm tuổi mắc bệnh thường gặp.
Các vùng có điện kiện sinh hoạt thấp, nhà ở chật chội vệ sinh kém, kinh tế còn khó khăn, có khí hậu lạnh ẩm… là các yếu tố khiến trẻ dễ bị viêm họng.
Chính vì vậy thấp tim thường gặp ở nhóm các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo PGS.Ước, khoảng 20-30 năm trước bệnh thấp tim rất phổ biến. Hiện nay, số lượng mắc mới thấp tim ở Việt Nam đã có xu hướng giảm do điều kiện y tế và chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện. Tuy nhiên, biến chứng của các ca thấp tim đã mắc từ trước vẫn là gánh nặng y tế cần được quan tâm.
Diễn tiến của bệnh thấp tim theo thời gian là nguyên nhân chủ yêu gây ra vấn đề van tim, đặc biệt là van hai lá.
Tổn thương trên van hai lá và van động mạch chủ có thể gây hở hoặc hẹp van tim, nếu không điều trị kịp thời biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Hẹp van hai lá dễ dẫn đến tăng áp lực mạch phổi, suy tim, tim to, rung nhĩ, cục máu đông. Hở van hai lá dẫn đến suy tim tiến triển, rối loạn nhịp tim và viêm nội tâm mạc.
Đối với trường hợp bệnh nhân bị hẹp van hai lá ở mức độ nặng, bị co rút, vôi hóa van hoặc có huyết khối ở nhĩ trái sẽ được tiến hành phẫu thuật sửa hoặc thay van.
Phẫu thuật thay van hai lá là một phẫu thuật lớn kinh điển, yêu cầu guồng máy bệnh viện hoạt động mạnh mẽ thì mới có thể triển khai tốt.
Phẫu thuật tim hở cần ekip vững vàng gồm phẫu thuật viên, gây mê hồi sức, chạy máy… cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại thực hiện thăm dò lâm sàng, xét nghiệm và phối hợp chặt chẽ liên chuyên khoa trong hội chẩn, điều trị.
PGS.Ước cho biết thấp tim là bệnh lý rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc thực hiện lối sống lành mạnh và sinh hoạt điều độ.
Giữ môi trường sống và vệ sinh cơ thể sạch sẽ; giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi họng mùa đông; chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng.
Khi gặp các vấn đề viêm họng, viêm amidan và viêm xoang cần tới gặp bác sỹ để điều trị triệt để. Cho đến nay chưa có vắc xin chống liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A, vì vậy việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu nhiễm bệnh sẽ giúp việc điều trị dễ dàng, hiệu quả hơn.
Trẻ em, đặc biệt trong lứa tuổi 5 – 15 tuổi, có các dấu hiệu viêm họng kèm đau mỏi, sưng các khớp, tức ngực, hồi hộp và khó thở, đau vùng tim kèm theo bất thường về thần kinh vận động… phụ huynh cần cho trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được bác sỹ kiểm tra tình trạng sức khỏe chính xác nhất.
Nguồn: https://baodautu.vn/benh-thap-tim-nguy-hiem-the-nao-d223812.html