Sự đón tiếp nồng hậu mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận được tại Mông Cổ không phải là nỗ lực “chứng minh” điều gì đó với phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết khi trả lời một nhà báo của Đài VGTRK hôm 3/9.
Ông Peskov nói thêm rằng Moscow và Ulaanbaatar đã phát triển quan hệ song phương trong một thời gian dài và không coi việc chứng minh bất cứ điều gì với bất kỳ ai là cần thiết.
“Cả Mông Cổ và Nga đều không có ý định thể hiện điều gì đó với các nước phương Tây. Chúng tôi là hàng xóm, hàng xóm thân thiết. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển quan hệ song phương, vốn có nguồn gốc lịch sử rất sâu sắc, truyền thống tươi đẹp và vinh quang, và chúng tôi dựa vào những điều này khi hướng tới tương lai. Vì vậy, chúng tôi không có ý định chứng minh bất cứ điều gì với bất kỳ ai”, người phát ngôn của ông Putin nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm chính thức tới quốc gia láng giềng hôm 3/9, Tổng thống Nga Putin được Tổng thống nước chủ nhà Ukhnaagiin Khurelsukh tiếp đón nồng hậu.
Ông Putin sau đó đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Mông Cổ, tham gia lễ kỷ niệm 85 năm chiến thắng trong trận Khalkhin Gol, đặt hoa tại tượng đài Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov và thăm cơ sở Ulaanbaatar của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov.
Trước chuyến đi, ông Putin đã chỉ ra một số “dự án kinh tế và công nghiệp đầy hứa hẹn” giữa hai nước trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Mông Cổ Unuudur, được Điện Kremlin chia sẻ.
Trong số đó có dự án xây dựng đường ống đưa khí đốt Nga qua lãnh thổ Mông Cổ tới Trung Quốc, gọi là dự án Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2).
Tổng thống Nga cũng cho biết ông “quan tâm đến việc theo đuổi công việc thực chất” hướng tới một hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa ông và các nhà lãnh đạo Mông Cổ và Trung Quốc.
Tháng 10 năm ngoái, trong cuộc gặp với ông Putin tại Trung Quốc, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đã mời nhà lãnh đạo Nga đến thăm đất nước này vào năm 2024. Chuyến thăm trước đó của ông Putin tới Mông Cổ diễn ra vào năm 2019.
Chuyến thăm tới Ulaanbaatar lần này của Tổng thống Nga gây chú ý vì Mông Cổ, nơi có hơn 3 triệu người sinh sống và nằm giáp biên giới với Nga và Trung Quốc, là một bên ký kết Quy chế Rome thành lập Tòa Hình sự Quốc tế (ICC).
ICC đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vào hồi tháng 3 năm ngoái với cáo buộc đưa trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine – cáo buộc mà Moscow đã phủ nhận. Các thành viên của ICC có nghĩa vụ bắt giữ nghi phạm nếu lệnh bắt giữ được ban hành, nhưng tòa án này không có bất kỳ cơ chế thực thi nào.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhii gọi quyết định không bắt giữ ông Putin của Mông Cổ là “một đòn nặng nề đối với ICC và hệ thống tư pháp hình sự quốc tế”.
“Mông Cổ nhập khẩu 95% sản phẩm dầu mỏ và hơn 20% điện từ các nước láng giềng, và những nguồn cung cấp này rất quan trọng đối với sự tồn tại của đất nước”, một phát ngôn viên chính phủ Mông Cổ phản hồi với trang Politico.
“Mông Cổ luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao, bằng chứng là các tuyên bố chính thức của chúng tôi cho đến nay”, vị phát ngôn viên nói thêm.
Minh Đức (Theo TASS, Al Jazeera, RFE/RL)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dien-kremlin-nga-mong-co-tang-cuong-quan-he-khong-gui-tin-hieu-toi-phuong-tay-204240904101835582.htm