(Dân trí) – Ga Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1932 với lối kiến trúc độc đáo. Đây cũng là ga xe lửa có đường sắt răng cưa “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Ga Đà Lạt (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1932, hoàn thành năm 1938.
Nhà ga Đà Lạt được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp. Mặt trước của công trình có 3 nóc với ý nghĩa mô phỏng 3 đỉnh của núi Langbiang và những mái nhà rông Tây Nguyên.
Ga Đà Lạt nằm trong kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Tháp Chàm (Ninh Thuận) – Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong quá khứ, tuyến đường sắt này có tổng chiều dài 84km, có vai trò kết nối thành phố cao nguyên với tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Tuyến xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt đi qua khu vực đồi núi cao nguyên nên người Pháp xây dựng 16km đường sắt răng cưa để tàu leo dốc.
Được biết, thời điểm bấy giờ, đường sắt răng cưa và đầu máy hơi nước có hệ thống kết nối đường răng cưa là độc đáo, chỉ có ở Thụy Sỹ và Việt Nam.
Tại ga Đà Lạt, đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đang được lưu giữ, trưng bày để du khách tham quan.
Một góc buồng đốt trong đầu máy xe lửa hơi nước.
Hệ thống bánh xe, trục truyền động và hệ thống điều áp của đầu máy xe lửa cổ. Hiện nay, ga Đà Lạt cùng với nhà thờ Chánh Tòa (Nhà thờ Con Gà), Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Grand Lycée Yersin) đã trở thành 3 biểu tượng của thành phố Đà Lạt.
Ga Đà Lạt trở thành điểm tham quan lý tưởng, điểm check-in chụp hình lưu niệm yêu thích của người dân, du khách.
Ngày nay, ga Đà Lạt duy trì đoàn tàu du lịch gồm 1 đầu máy thường cùng 3 toa xe chạy tuyến nội ô ga Đà Lạt – ga Trại Mát với tổng chiều dài 7km.
Ở tuyến du lịch này, du khách được trải nghiệm hành trình tàu trên cao nguyên, ngắm phong cảnh Đà Lạt và được thưởng thức âm nhạc.
Du khách lên tàu tại ga Đà Lạt trải nghiệm chuyến tàu đêm.
Tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công nhận ga Đà Lạt là điểm du lịch và công trình này trở thành điểm đến văn hóa, nghệ thuật, di sản.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nha-ga-co-duong-sat-rang-cua-doc-nhat-vo-nhi-viet-nam-20240831104819343.htm