(Dân trí) – Thủ thành Đặng Văn Lâm đã có buổi trả lời phỏng vấn với tờ Sport Express (Nga). Dân trí xin lược dịch bài trả lời của thủ môn đội tuyển Việt Nam.
Xin chào! Tôi gọi anh là Lev Đặng hay Đặng Văn Lâm bây giờ?
– Câu hỏi hay đấy! Tôi có hai hộ chiếu Việt Nam và Nga. Trong tiếng Nga, tên của tôi là Đặng Lev Shonovich, còn trong tiếng Việt, tôi tên là Đặng Văn Lâm. Ở Nga, bạn bè hay gọi tôi là Lev hoặc Leva.
Tại sao lại có Shonovich trong tên của anh?
– Bố của tôi có tên tiếng Việt là Sơn. Trong hộ chiếu Nga, ông ấy tên là Sean. Mọi thứ đơn giản vậy thôi.
Văn Lâm sắp có màn chạm trán đầy cảm xúc với đội tuyển Nga (Ảnh: Tiến Tuấn).
Cuộc sống ở Nga và Việt Nam khác biệt thế nào với anh?
– Nga và Việt Nam là những quốc gia hoàn toàn khác nhau về tâm lý và lối sống. Tôi sinh ra ở Moscow và theo học ở Nga, trước khi chuyển tới Việt Nam vào năm 18 tuổi. Khi ấy, tôi đã được tiếp xúc với nền văn hóa khác. Tôi đã mất khoảng 3,4 năm để thích ứng. Mọi thứ không hề đơn giản.
Có thật là cha mẹ đặt tên anh là Lev vì thần tượng huyền thoại Lev Yashin không?
– Tôi có nghe thông tin này trên báo chí. Tôi biết mẹ của tôi thích Lev Ivanovich Yashin nhưng chưa chắc tôi được đặt tên gắn liền với huyền thoại này.
Mẹ của anh có phải người hâm mộ Dynamo Moscow không?
– Có lẽ vậy. Mẹ tôi mê mẩn Lev Yashin. Bà đã cho tôi đọc sách và tiểu sử về ông ấy để hiểu cách ông ấy đến với nghiệp thủ môn thế nào, vượt qua khó khăn ra sao? Trong thời khắc tôi thất bại, bà luôn kể câu chuyện về Yashin hoặc cho tôi đọc sách về ông ấy. Sau đó, tôi đã được theo học ở Học viện Yashin.
Vậy Lev Yashin có phải là thần tượng của anh không?
– Đúng là tôi coi ông ấy là tấm gương nhưng tôi không muốn biến mình thành bất cứ ai. Yashin là người đàn ông tốt bụng và uy quyền.
Văn Lâm yêu cuộc sống ở Việt Nam (Ảnh: VFF).
Trong hồ sơ của anh có bức ảnh chụp chung với Quả bóng vàng?
– Nếu đó là Quả bóng vàng thế giới thì tôi đã trở thành huyền thoại rồi. Đó chỉ là giải thưởng Quả bóng đồng Việt Nam. Tôi đã được trao giải sau mùa giải đỉnh cao. Đã lâu rồi một thủ môn mới nhận được giải thưởng quý giá như vậy.
Bố anh có trợ giúp phát triển sự nghiệp không?
– Bố luôn dành sự ủng hộ cho tôi. Bố thường đưa tôi đi tập và mua thiết bị tập luyện. Mẹ lại hỗ trợ tôi về mặt tâm lý.
Hồi nhỏ anh có hay về thăm người thân ở Việt Nam không?
– Lần đầu tiên tôi về thăm Việt Nam khi 9 tháng tuổi. Bố tôi là vũ công, còn mẹ là diễn viên. Họ gặp nhau ở Moscow. Khi tôi ra đời, bố không thể về Việt Nam vì bận chăm tôi. Hồi đó chưa có Internet, FaceTime hay những cách liên lạc nhanh chóng với người thân. Hai bên chỉ liên lạc qua thư.
Ở Việt Nam, mọi người chờ đợi thông tin từ bố tôi. Họ hàng rất muốn gặp tôi. Tôi vẫn có giữ bức ảnh những người họ hàng bế tôi. Hồi đó, chưa có nhiều người nước ngoài sang Việt Nam nên tôi bị xem là khác lạ. Họ cũng tò mò xem bố tôi đã làm gì ở Nga.
Lần thứ hai tôi tới Việt Nam khi 5,6 tuổi. Và lần thứ ba tôi tới đây để lập nghiệp.
Lần gần nhất anh ở Nga là khi nào?
– Năm 2021.
Hà Nội và Moscow khác nhau ra sao?
– Đó là hai thế giới khác nhau. Thời tiết ở hai nước khác biệt. Ở Việt Nam lại có nhiều xe máy. Có lẽ, tôi phải mất vài giờ mới kể xong hết. Ở Việt Nam, bạn vừa có thể sống theo cách vừa đắt đỏ, vừa rẻ. Các món ăn đường phố ở đây rất phát triển.
Phở có mặt ở khắp mọi nơi. Theo tôi biết thì người Nga cũng rất thích ăn món này. Tôi đã thử món phở bò ở Nga. Nó rất ngon nhưng không bằng Việt Nam. Tôi khuyên mọi người nên tới Hà Nội thử món phở bò. Chỉ cần vào TPHCM, vị của món phở đã khác rồi. Một bát phở có giá khoảng 2 USD, cộng thêm tiền nước 1 USD. Như vậy là bạn đã no rồi. Đó là cách người Việt Nam ăn sáng. Họ chủ yếu ăn phở vào buổi sáng.
Văn Lâm cảm thấy mình giống người Việt Nam hơn là người Nga (Ảnh: Mạnh Quân).
Bữa sáng như vậy không tốt cho sức khỏe chút nào?
– Tại sao? Ngoài ra, tôi còn thích ăn mỳ bò. Ở Việt Nam có ít người thừa cân. Tôi đã mất thời gian dài làm quen với bữa sáng ở Việt Nam. Bây giờ, chúng tôi đã ra Hà Nội hội quân. Điều đầu tiên tôi muốn làm là thưởng thức món phở bò.
Bây giờ anh cảm thấy giống người Việt Nam hay Nga hơn?
– Tôi chọn 50/50 để cả bố và mẹ tôi đều không cảm thấy khó chịu. Có lẽ, điều này phụ thuộc nhiều vào đất nước mà tôi đang ở. Tôi bay đến Moscow và hồi phục trong vòng một tuần, vốn từ vựng của tôi ngay lập tức quay trở lại.
Nhưng khi trở về Việt Nam, tôi lại quen với cuộc sống ở đây. Tất nhiên bây giờ, tôi cảm thấy mình giống người Việt Nam hơn. Vì tôi đã sống và trưởng thành ở Việt Nam. Và tôi cũng bảo vệ màu cờ sắc áo của đội tuyển Việt Nam.
Xin cảm ơn Lâm về cuộc trao đổi!
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-thao/van-lam-tra-loi-bao-nga-toi-thay-giong-nguoi-viet-nam-hon-nguoi-nga-20240903194927198.htm