Ngoài điểm chính, Trường Mầm non Sơn Điện, huyện Quan Sơn có 3 khu lẻ. Điểm đặc biệt là các khu lẻ này cách trường từ 5 đến 8km, các hộ dân bản ở rải rác trên các đỉnh núi, ven triền sông suối. Để chuẩn bị cho năm học mới, các thầy cô đã phải đến từng bản, từng hộ để tuyên truyền, làm công tác phổ cập, đưa con trẻ đến trường.
Cô Phạm Thị Thỏa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vì nhà xa trường nên phần lớn học sinh đều ở lại bán trú, đảm bảo sĩ số: “Trường mầm non Sơn Điện năm học 2023-2024 có 137 học sinh, đã đón trẻ trở lại trường. Những ngày đầu năm học ngoài việc học, các cô nhà trường còn tổ chức lao động, trồng hoa, tập văn nghệ chuẩn bị khai giảng năm học mới. Bản Sa Man và Xuân Sơn xa nhất đều có khu lẻ, có 6 lớp các cô ở trong đó nên các cháu đi cả ngày, đi học và ở cả ngày 100%”.
Bắt đầu từ ngày 28/8, học sinh ở Thanh Hóa đã trở lại trường học. Mặc dù điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thế nhưng tỷ lệ học sinh ra lớp sau ngày tựu trường cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Theo bà Hà Thị Hiếu, Phó Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Quan Sơn, việc học sinh chủ động tới lớp sau kỳ nghỉ là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự thay đổi tích cực của giáo dục vùng cao. Đó là nhờ sự tận tâm của đội ngũ người thầy, trách nhiệm của gia đình và sự chung tay từ xã hội: “Nhìn chung cơ sở vật chất điểm lẻ còn khó khăn, nhưng so với những năm học trước thì đến thời điểm này được khắc phục nhiều. Trước đây phòng học tranh tre nứa lá nhiều nhưng giờ thì cơ sở vật chất đã tạm ổn. Tuy nhiên, đối với các điểm trường lẻ tiểu học thì việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới còn khó khăn, liên quan đến dạy tin học, tiếng anh, chưa đáp ứng được”.
Những năm qua, nhiều trường học ở các huyện biên giới tỉnh Thanh Hóa như Mường Lát, Quan Sơn, Quan hóa, Lang Chánh… đã bị xuống cấp, gây khó khăn cho việc dạy và học. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới, cải tạo nhiều trường học ở vùng khó, nhằm giúp thầy, trò yên tâm trong môi trường giáo dục.
Ông Đỗ Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Lang Chánh cho biết, huyện có 31 trường thuộc các cấp học với hơn 11.700 học sinh, ngoài việc thiếu giáo viên thì thực hiện Chương trình giáo dục 2018 địa phương gặp nhiều khó khăn về điều kiện cần thiết để triển khai kế hoạch dạy và học. Và “nỗ lực vượt khó” luôn là cách thầy trò vùng khó vượt qua: “Về đội ngũ giáo viên từ tiểu học đến THCS đang thiếu một số giáo viên văn hóa và giáo viên đặc thù. Kiến nghị UBND tỉnh bổ sung nguồn nhân sự để đáp ứng theo quy định”.
Tỉnh Thanh Hóa có 2.026 cơ sở giáo dục. Theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành, năm học 2024-2025 sẽ khai giảng vào ngày 5/9. Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Năm nay giáo dục có nhiều thành tích đạt và vượt. Chất lượng đại trà qua mấy năm nay đều tăng dần, đến năm nay đã hoàn thành vượt chỉ tiêu là về thứ 18. Về kế hoạch tựu trường và khai giảng thì, thời gian từ tựu trường đến khai giảng là ổn định và học nội quy. Sở Giáo dục đã có văn bản hướng dẫn đến các huyện/thị/thành phố và các cơ sở giáo dục về công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác để chuẩn bị tốt cho ngày tựu trường và khai giảng”.
Những năm gần đây nhờ chính sách quan tâm của nhà nước, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở Thanh Hóa giảm hẳn. Vì vậy trong ngày tựu trường 28/8, hầu hết học sinh đã có mặt đầy đủ, đảm bảo sẵn sàng cho năm học mới.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/cac-truong-mien-nui-thanh-hoa-vuot-kho-dau-nam-hoc-post1118591.vov