Vương quốc Anh đã tham gia cùng các quốc gia bao gồm Canada, Tây Ban Nha và Hà Lan trong việc hạn chế bán vũ khí cho Israel, trong bối cảnh chính phủ ở những quốc gia này đang chịu áp lực từ Liên Hợp Quốc, cử tri trong nước và những người vận động ủng hộ Palestine.
Mỗi quốc gia đã xuất khẩu vũ khí trị giá hàng chục triệu USD sang Israel vào năm 2023, trong khi một số quốc gia cũng đóng góp các bộ phận cho máy bay chiến đấu F-35 mà Israel sử dụng.
Đức, quốc gia cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Israel, cho biết kim ngạch xuất khẩu lên tới 326,5 triệu Euro (354,4 triệu USD) vào năm ngoái, đã giảm kể từ những tuần đầu khi xung đột tái bùng phát ở Dải Gaza.
Nhưng những con số của châu Âu trông có vẻ “chẳng thấm vào đâu” so với sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel, vốn gần đây đã tăng thêm 26 tỷ USD và bao gồm cả đạn dược từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ và Đức cung cấp 99% lượng vũ khí nhập khẩu của Israel từ năm 2019 đến năm 2023. Israel cho biết lệnh cấm vận vũ khí tương đương với “lời kêu gọi ủng hộ Hamas”.
Một số nước hạn chế bán vũ khí cho Israel:
Chính phủ mới ở Vương quốc Anh do Thủ tướng Keir Starmer của Công đảng dẫn dắt hôm 2/9 cho biết, 30 trong số 350 giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Israel sẽ bị đình chỉ sau quá trình xem xét pháp lý.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy cho biết chính sách này không phải là “lệnh cấm toàn diện”. Tuy nhiên, áp lực đã gia tăng trong nhiều tháng qua. Theo một cuộc thăm dò do trang The National News (có trụ sở tại UAE) thực hiện hồi tháng 6, 54% người lớn ở Anh ủng hộ lệnh cấm vũ khí.
Năm ngoái, Vương quốc Anh đã phê duyệt các giấy phép trị giá 18,2 triệu bảng Anh (23,4 triệu USD). 42 giấy phép xuất khẩu thiết bị quân sự đã được cấp kể từ ngày 7/10 năm ngoái, khi Hamas tấn công Israel, cho đến cuối tháng 5.
Vương quốc Anh cũng là một bên đóng góp đáng kể vào việc khiến cho F-35 và các bộ phận máy bay chiến đấu được miễn trừ khỏi thông báo hạn chế của ông Lammy.
Ở Hà Lan, hồi tháng 2, một tòa án đã chặn việc bán các bộ phận của tiêm kích F-35 cho Israel, phán quyết rằng có “rủi ro rõ ràng” về vi phạm nhân đạo. Các thẩm phán cho biết các bộ trưởng đã tuân thủ phán quyết. Nhưng chưa rõ tình hình tiếp theo sẽ thế nào sau khi chính phủ cánh hữu mới của Hà Lan có lập trường ủng hộ Israel gần đây đã lên nắm quyền.
Trước đó, 8 giấy phép xuất khẩu sang Israel đã được cấp vào năm 2023, với giá trị 11,1 triệu Euro (11,9 triệu USD), bao gồm camera ảnh nhiệt, radar và thiết bị hải quân. 2 giấy phép nữa đã được cấp vào tháng 1 năm nay, khi các số liệu được cập nhật lần cuối. Hà Lan cũng xuất khẩu phụ tùng cho máy bay F-16 mà Israel sử dụng.
Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha tuyên bố hồi tháng 2 rằng không có bất kỳ giao dịch bán vũ khí nào cho Israel được chấp thuận kể từ ngày 7/10 năm ngoái. Hồi tháng 5, Madrid còn đi xa hơn nữa khi tuyên bố bất kỳ tàu nào chở vũ khí đến Israel sẽ bị cấm cập cảng tại các cảng của Tây Ban Nha.
Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani cho biết hồi tháng 1 rằng đã có quyết định không xuất khẩu vũ khí sang Israel khi chiến sự ở Gaza nổ ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto sau đó đã thừa nhận rằng các hợp đồng đã ký trước đó vẫn tiếp tục, nhưng chúng “không liên quan đến các vật liệu có thể được sử dụng để chống lại dân thường”.
SIPRI liệt kê Italy là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba sang Israel trong giai đoạn 2019-2023, sau Mỹ và Đức. Dữ liệu thương mại năm 2023 cho thấy, Rome đã xuất khẩu sang Israel lượng hàng hóa trị giá 9,9 triệu Euro, con số mà các quan chức cho biết là tương tự như năm 2022.
Ở Bỉ, việc hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Israel được quyết định ở cấp khu vực. Người Wallonia nói tiếng Pháp cho biết chính sách của họ không phải là tăng cường quân đội Israel. Họ đã đình chỉ 2 giấy phép xuất khẩu đối với nhà sản xuất đạn dược PB Clermont hồi tháng 2.
Người Flanders nói tiếng Hà Lan cũng có chính sách tương tự. Chính phủ Bỉ đã vận động hành lang để có lệnh cấm bán vũ khí cho Israel trên toàn EU.
Trước đó, xuất khẩu của Wallonia năm 2022 lên tới 1,8 triệu Euro, bao gồm thuốc súng, thuốc nổ và phụ tùng máy bay, nhưng Israel không phải là điểm đến cuối cùng của họ, chính quyền khu vực cho biết.
Các giấy phép của người Flemish được phê duyệt vào năm 2023 lên tới khoảng 17,3 triệu Euro. Ở đây, các nhà chức trách cũng cho biết, các bộ phận này được tạm xuất hoặc đích đến cuối cùng không phải là Israel.
Na Uy có chính sách không xuất khẩu vũ khí đến các vùng chiến sự. Họ đã nới lỏng quy định này đối với Ukraine, nhưng không làm vậy đối với Israel.
Các quan chức đã yêu cầu nhà sản xuất đạn dược Nammo và công ty hàng không vũ trụ Kongsberg thực hiện “thẩm định cần thiết”, trong bối cảnh có những tuyên bố về mối liên hệ gián tiếp giữa Na Uy và Israel.
Không có lô hàng vũ khí nào được xuất khẩu từ Na Uy sang Israel vào năm 2022 hoặc 2023, theo số liệu thống kê thương mại chính thức. Chỉ có một số thiết bị bảo vệ đã được bán cho một công ty rà phá bom mìn của Israel có tên là Opms – Open Minded Solutions.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Canada đã không cấp giấy phép xuất khẩu mới cho Israel kể từ ngày 8/1 năm nay, “do tình hình diễn biến nhanh chóng”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly cho biết.
Theo các quan chức thương mại, các giấy phép cũ vẫn còn hiệu lực đối với Israel là để bán “hàng hóa phi sát thương”. Năm ngoái, Canada đã xuất khẩu hàng hóa và công nghệ quân sự trị giá 22,2 triệu USD sang Israel, theo số liệu chính thức.
Ottawa đã cấp 193 giấy phép xuất khẩu sang Israel. Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất thuộc các loại “bom, ngư lôi, tên lửa, tên lửa đạn đạo, các thiết bị nổ khác, và thiết bị điện tử”.
Minh Đức (Theo National News)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-quoc-gia-nao-da-dinh-chi-ban-vu-khi-cho-israel-204240903143808259.htm