Lợi nhuận vượt kế hoạch
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản giải trình báo cáo tài chính sau soát xét 6 tháng năm 2024 lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM.
Theo Petrolimex, trong 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 1.530 tỉ đồng, tăng tới 135% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa đầu năm nay cơ bản ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Petrolimex cho biết nửa đầu năm, nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới không biến động mạnh như các năm. Cùng đó, nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định cũng giúp các thương nhân có thể nhập đúng kế hoạch, đảm bảo hiệu quả.
Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do cổ tức, lợi nhuận được chia sẻ từ các công ty con, liên doanh, liên kết cao hơn cùng kỳ.
Cũng trong ngành nhiên liệu, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong 7 tháng khá ấn tượng với tổng doanh thu của tập đoàn ước khoảng 567.400 tỉ đồng, vượt 31% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất của PVN đạt 29.600 tỉ đồng, vượt 75% kế hoạch.
Trước đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) – đơn vị sở hữu 2.200 cửa hàng xăng dầu (bao gồm 700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, 1.500 cửa hàng xăng dầu đại lý) cũng có báo cáo lợi nhuận hợp nhất trước thuế của doanh nghiệp trong 2 quý đầu năm đạt 390 tỉ đồng, vượt 6% kế hoạch; doanh thu hợp nhất đạt 64.000 tỉ đồng, vượt đến 54% kế hoạch của 6 tháng.
Một số doanh nghiệp nhỏ rời thị trường
Trong khi một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lãi lớn, thì một số doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp bán lẻ và phân phối xăng dầu lại chọn cách rời thị trường.
Bộ Công Thương cho biết, có tới 16 doanh nghiệp xăng dầu đề nghị trả lại giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu từ đầu năm đến nay. Lý do là những doanh nghiệp này không duy trì được đủ điều kiện hoạt động nên chủ động trả lại giấy phép, vẫn kinh doanh xăng dầu dưới hình thức đại lý, cửa hàng bán lẻ hoặc đi kinh doanh lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường xăng dầu không chỉ dừng lại ở con số 16 mà còn nhiều hơn nữa.
Lý do là trong dự thảo sửa đổi các nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến, đưa ra những quy định có thể làm hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp phân phối, thắt chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Văn Tấn Phụng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai cho rằng, trong hai năm qua, nhất là sau thời điểm nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy ở nhiều khu vực, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã phải đóng cửa hàng loạt.
Ông Phụng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đầu mối đang được dành cho quá nhiều “ưu ái”, được nhập khẩu, được mua bán với nhau, được bán cho các đại lý bán lẻ.
“Chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường, đặc biệt trong tương quan giữa doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ”, ông nói.
Việc kinh doanh được cho là “chưa bình đẳng” giữa các khâu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu cũng được ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát nhìn nhận.
Đó là lý do ông Thắng đề nghị cần tách bạch các mức thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý – cửa hàng về độc lập kê khai, hạch toán thuế, nhằm đảm bảo thể hiện đúng, đủ các chi phí và lợi nhuận của từng khâu trong hệ thống của thương nhân đầu mối nhằm chống chuyển giá, trốn thuế.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/ong-lon-xang-dau-lai-khung-1388327.ldo