Với dân số khoảng 4 triệu người và diện tích 56,594 km2, Croatia luôn xếp hạng vượt trội hơn nhiều so với các quốc gia lớn hơn và phát triển hơn về mặt kinh tế.
Song ngữ, thậm chí đa ngôn ngữ là điều phổ biến trong xã hội Croatia. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 80% người Croatia có thể nói đa ngôn ngữ, trong đó, 81% có thể nói tiếng Anh, theo Tổ chức Rewind Dubovnik.
Có tới 95% người trong độ tuổi từ 15- 34 nói ít nhất một ngôn ngữ nước ngoài, với tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến nhất.
Theo Chỉ số thông thạo tiếng Anh của EF (EF EPI) 2023, Croatia đứng vị trí 11 thế giới với 603 điểm và được đánh giá ở mức “thông thạo rất cao”.
Những yếu tố như văn hóa, hệ thống giáo dục và động lực kinh tế xã hội đã hội tụ để tạo nên một quốc gia mà đa ngôn ngữ là chuẩn mực và trình độ tiếng Anh là một tài sản chung quan trọng.
Giáo dục ngôn ngữ sớm
Một trong những yếu tố chính góp phần vào trình độ tiếng Anh cao của Croatia là việc đưa giáo dục ngôn ngữ vào trường học sớm.
Việc giảng dạy ngoại ngữ tại Croatia được quy định bởi Đạo luật Giáo dục tiểu học và trung học (2008). Theo đó, chương trình giảng dạy quy định việc học ngoại ngữ đầu tiên bắt buộc từ lớp 1 của trường tiểu học, trong khi ngoại ngữ thứ hai có thể được học như một môn học tự chọn từ lớp 4.
Theo chương trình giảng dạy, ngoại ngữ thứ nhất được dạy 2 giờ/tuần từ lớp 1 đến lớp 4 và 3 giờ/tuần từ lớp 5 đến lớp 8. Ngoại ngữ thứ hai (tự chọn) được dạy 2 giờ/tuần từ lớp 4 đến lớp 8.
Trên thực tế, tiếng Anh (đôi khi là tiếng Pháp hoặc tiếng Đức) thường được dạy ngay từ mẫu giáo. Tiếng Anh thường là ngoại ngữ đầu tiên được dạy ở ngay lớp 1 (7 tuổi) tại bậc tiểu học. Ngoại ngữ thứ hai phổ biến nhất là tiếng Đức, tiếp theo là tiếng Ý và tiếng Pháp.
Ở bậc trung học, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha đôi khi được dạy như ngoại ngữ thứ hai hoặc thứ ba. Sự khởi đầu sớm này rất quan trọng vì cho phép trẻ em phát triển các kỹ năng ở giai đoạn mà các em dễ tiếp thu nhất để học các ngôn ngữ mới.
Tiếng Latin và tiếng Hy Lạp cổ được dạy ở tất cả các trường có chương trình học cổ điển (tập trung vào các môn học truyền thống). Tiếng Latin bắt buộc ở tất cả các trường trung học nhân văn. Giáo dục ngôn ngữ thiểu số có sẵn từ bậc mẫu giáo đến cấp trung học và được chính phủ Croatia tài trợ cho các nhóm thiểu số Serbia, Séc, Hungary và Ý.
Dù tiếng Croatia vẫn là ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong giáo dục nhưng xu hướng các khóa học về khoa học và kỹ thuật được giảng dạy bằng tiếng Anh ngày càng tăng.
Croatia cũng không che giấu “tham vọng” truyền bá ngôn ngữ dân tộc vượt khỏi ranh giới quốc gia. Dưới thời Thủ tướng Andrej Plenković, Croatia đang thực hiện các bước để thúc đẩy tiếng Croatia ra khu vực châu Âu thông qua việc ban hành Đạo luật Ngôn ngữ Croatia mới.
Luật này nhằm mục đích đảm bảo tiếng Croatia được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức tại Croatia, Bosnia và Herzegovina và EU, đồng thời thúc đẩy việc học tiếng Croatia ở nước ngoài, theo Tờ Euractiv.
Du lịch và phát triển kinh tế: Động lực thực tế
Ngành công nghiệp du lịch đang bùng nổ của Croatia cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy trình độ tiếng Anh cao của đất nước này.
Khả năng nói tiếng Anh là điều cần thiết đối với bất kỳ ai muốn làm việc trong ngành du lịch, từ nhân viên khách sạn, nhà hàng đến hướng dẫn viên du lịch.
Là một trong những điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Âu, Croatia thu hút hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm.
Năm 2023, khoảng 20,6 triệu lượt khách du lịch đến Croatia (gấp hơn 5 lần dân số nước này) và 108 triệu lượt cư trú qua đêm, theo hệ thống eVisitor. Chi tiêu của khách du lịch quốc tế chiếm gần 20% GDP quốc gia này- tỷ lệ lớn nhất trong EU, theo nghiên cứu của European Commission.
Nhiều người Croatia, đặc biệt là những người sống ở các điểm “nóng” du lịch như Dubrovnik, Split và thủ đô Zagreb, đã nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế. Đối với họ, thông thạo tiếng Anh là một kỹ năng bắt buộc.
Nhu cầu về trình độ tiếng Anh này không chỉ giới hạn trong ngành du lịch mà còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế như thương mại và tài chính quốc tế.
Truyền thông thúc đẩy sự tiếp xúc hàng ngày
Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào sự thành công của Croatia với tiếng Anh là sự tiếp xúc rộng rãi với truyền thông bằng tiếng Anh.
Nghiên cứu của TS. Sara Brodarić Šegvić tại Đại học Split (Croatia) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tiếng Anh một cách tự nhiên và tình cờ. Điều này có nghĩa là học sinh học tiếng Anh thông qua việc tiếp xúc với phương tiện truyền thông thay vì chỉ dựa vào giáo dục chính thức.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy học sinh THPT ở Croatia thường xuyên tiếp xúc với các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh, như phim ảnh, âm nhạc và các nội dung trực tuyến. Sự tiếp xúc này giúp các em thực hành và cải thiện kỹ năng tiếng Anh ngoài lớp học.
Nhiều học sinh Croatia thích xem phim tiếng Anh không có phụ đề hoặc có phụ đề tiếng Anh thay vì phụ đề tiếng Croatia.
Mặc dù học sinh cũng học các ngoại ngữ khác như tiếng Ý, nghiên cứu cho thấy phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh phổ biến và có ảnh hưởng hơn nhiều.
Nghiên cứu của TS Sara Brodarić Šegvić kết luận rằng trình độ tiếng Anh của học sinh Croatia có mối quan hệ khăng khít với thói quen tiếp xúc và tiêu thụ sản phẩm truyền thông bằng tiếng Anh.
Sự tiếp xúc liên tục này củng cố các kỹ năng ngôn ngữ đã học trong trường và khiến tiếng Anh trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày đối với nhiều người Croatia.
Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai và bài học kinh nghiệm từ Singapore, Malaysia
Singapore làm gì để trình độ tiếng Anh từ số 0 đến đứng thứ 2 thế giới?
Bộ Chính trị: Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Nguồn: https://vietnamnet.vn/quoc-gia-80-dan-so-noi-duoc-da-ngon-ngu-95-thanh-nien-thong-thao-tieng-anh-2317822.html