Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp với Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI 360) đồng tổ chức Lễ công bố giai đoạn II của Chương trình Hỗ trợ quốc gia Quỹ Fleming trị giá 3,4 triệu Bảng Anh do Anh tài trợ để tiếp tục giải quyết tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam.
Lễ công bố giai đoạn II của Chương trình Hỗ trợ quốc gia Quỹ Fleming trị giá 3,4 triệu Bảng Anh do Anh tài trợ để tiếp tục giải quyết tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Anh tại Việt Nam) |
Quỹ Fleming được quản lý bởi Chính phủ Anh nhằm hỗ trợ các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp cải thiện hệ thống giám sát kháng thuốc, nâng cao năng lực phòng xét nghiệm và thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu có chất lượng để đưa ra quyết định giải quyết vấn đề kháng thuốc ngày càng gia tăng.
Giai đoạn II của Chương trình thể hiện cam kết của Anh với Việt Nam trong nỗ lực tiếp tục giải quyết tình trạng kháng thuốc. Sự kiện này cũng đã củng cố vai trò và tầm quan trọng của hệ thống quốc gia về giám sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng sinh trong các lĩnh vực y tế, thú y và môi trường.
Với sự tham gia của đối tác chính phủ, các tổ chức phát triển và các bên liên quan, sự kiện nhấn mạnh tinh thần hợp tác – kim chỉ nam trong cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong cuộc chiến chống kháng thuốc, ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam và thể hiện cam kết chung trong việc giải quyết một trong những thách thức y tế cấp bách hàng đầu của nhân loại.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew đã ghi nhận vai trò tiên phong của Việt Nam trong giải quyết vấn đề kháng thuốc. Đại sứ cho biết: “Anh và Việt Nam đều đã cam kết trở thành đối tác quốc tế có trách nhiệm trong công tác quản lý kháng thuốc.
Giai đoạn II của Quỹ Flemming sẽ tiếp tục những nỗ lực của hai bên không chỉ nâng cao công tác quản lý kháng thuốc tại Việt Nam mà còn thiết lập hình mẫu cho các quốc gia khác đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự, nhằm tăng cường hợp tác kháng thuốc trên toàn cầu”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Nam, Giám đốc quốc gia Tổ chức FHI 360 tại Việt Nam, hào hứng chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng Chương trình Hỗ trợ quốc gia Giai đoạn II cho Việt Nam được chính thức công bố. Quỹ Fleming đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng lực của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tình trạng kháng thuốc. FHI 360 chúng tôi cam kết sát cánh cùng với các đối tác, thúc đẩy thành tựu đạt được và nỗ lực tạo ra tác động bền vững trong tương lai”.
Từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2024, FHI 360 đã phối hợp với các cơ quan chính phủ và các đối tác triển khai tại Việt Nam để tiến hành thành công giai đoạn I của Chương trình với nguồn tài trợ trị giá 8,8 triệu bảng Anh. Mạng lưới giám sát kháng thuốc quốc gia đã được thành lập tại 17 phòng xét nghiệm, 3 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia ngành y tế và 3 phòng xét nghiệm ngành thú y.
Trong đó, thành tựu chính là việc tăng cường năng lực kỹ thuật, quản lý và báo cáo dữ liệu, thực hành an toàn và an ninh sinh học, cải thiện hệ thống quản lý thông tin, cải tạo cơ sở hạ tầng và cung ứng trang thiết bị cho các phòng xét nghiệm. Sự kiện cũng ghi nhận hiệu quả của các chương trình tập huấn và hội thảo chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các tài liệu và hướng dẫn quy trình vận hành về giám sát kháng thuốc.
Những nỗ lực này đã tạo tiền đề cho hoạt động giám sát kháng thuốc chủ động trên lợn và gà, hỗ trợ chiến lược quốc gia theo phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe, thúc đẩy cách tiếp cận thống nhất trong chia sẻ kiến thức về kháng thuốc.
Giai đoạn II của Chương trình với nguồn viện trợ 3,4 triệu bảng Anh được cam kết triển khai tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 5 năm 2024 đến tháng 12 năm 2025. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực, khả năng chẩn đoán và báo cáo về sự kháng thuốc của vi khuẩn và củng cố Hệ thống quốc gia về giám sát vi khuẩn kháng thuốc, quản lý sử dụng và tiêu thụ kháng sinh trong ngành y tế, thú y và môi trường thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe.
Giai đoạn II sẽ tiếp tục hợp tác với FHI 360, Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương, đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), tổ chức PATH và các đối tác chính phủ bao gồm Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế Việt Nam), Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam).
Kết quả của giai đoạn này được kỳ vọng sẽ đảm bảo chất lượng công tác thu thập và phân tích dữ liệu kháng thuốc, chia sẻ rộng rãi các kết quả dữ liệu sau phân tích và đảm bảo đầu tư bền vững cho công tác quản lý kháng thuốc ở cấp quốc gia và toàn cầu.
Quỹ Fleming của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội (DHSC) là một chương trình viện trợ của Anh hỗ trợ 25 quốc gia châu Phi và châu Á để giải quyết tình trạng kháng thuốc, một trong những tác nhân hàng đầu gây tử vong do các bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới. Quỹ Fleming hợp tác với các tổ chức toàn cầu nhằm thiết lập và củng cố các hệ thống giám sát kháng thuốc. Quỹ được triển khai thông qua sự điều phối và hợp tác giữa các chương trình hỗ trợ quốc gia, khu vực và toàn cầu, cũng như các chương trình học bổng nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng phòng xét nghiệm, năng lực cán bộ, năng lực thu thập và phân tích dữ liệu. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/anh-tai-tro-34-trieu-bang-giup-viet-nam-phong-chong-khang-thuoc-284750.html