LTS: Còn hơn một năm nữa mới tới Đại hội XIV của Đảng, nhưng đến lúc này, đất nước đang cảm nhận rõ về sự chuẩn bị cho một giai đoạn mới. Trong bối cảnh đó, cùng với dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Sĩ Dũng, người có nhiều trăn trở về thời cuộc.

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Sỹ Dũng có một số cảm nghĩ:

Chúng ta, có lẽ, đang ở một trong những giai đoạn dài nhất trong môi trường hòa bình để phát triển quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ vài tháng nữa là tròn 95 tuổi, đã có sự nghiệp cách mạng vẻ vang, với thành tựu lớn lao là 80 năm Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm công cuộc Đổi mới…

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Những biến động của giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo vừa qua mang tới những lo lắng về sự đứt gãy, nhưng cũng mở ra hi vọng về một thập niên mới, với nhiều cơ hội để đất nước có thể phát triển vượt bậc. Tất nhiên, với điều kiện các vị lãnh đạo có thể vượt qua những thách thức hiện hữu, mà điều này thì tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận khá rõ.

Chúng ta tin rằng thế hệ lãnh đạo mới sẽ trở thành động lực cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong thể chế một đảng duy nhất cầm quyền, kế thừa và bảo đảm tính liên tục sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu. Nhưng những nhà lãnh đạo mới sẽ bổ sung thêm về tầm nhìn, năng lượng và khát vọng để đất nước bắt nhịp với thời đại.

Thời đại mới của Đất nước và Dân tộc

Thời đại mà ông vừa nói có thể mô tả vắn tắt thế nào?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Cơ hội, thách thức đan xen. Cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng rất lớn. Thế giới đang trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, với nhiều bất ổn địa chính trị xuất hiện nhiều nơi. Chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy ảnh hưởng rất nhiều tới những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.

Nước ta nằm ở vị trí địa chiến lược của cạnh tranh Mỹ – Trung, và Đảng ta, trong vai trò dẫn dắt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất khéo léo xử lý tốt nhất có thể mối quan hệ phức tạp này. Trong bối cảnh phức tạp vậy, Việt Nam vẫn có thể làm ăn, buôn bán với tất cả các nước, vẫn khai mở được các thị trường. Giữ được môi trường chiến lược như vậy là một thành tựu vô cùng to lớn.

Nhưng đây là một cân bằng động, đòi hỏi phải liên tục xử lý các tình huống cụ thể, các sự kiện cụ thể chứ không phải xác lập được một lần là xong.

Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tràn tới có thể làm thay đổi triệt để mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của xã hội loài người. Tuy nhiên, định hướng chiến lược của dân tộc ta trong cuộc cách mạng này thế nào thì vẫn chưa thật rõ.

Hậu quả của cuộc cách mạng nông nghiệp xảy ra hàng ngàn năm trước là tình cảnh dân tộc ta phải chịu số phận của ngàn năm Bắc thuộc. Hậu quả của cách mạng công nghiệp xảy ra hàng trăm năm trước là đất nước ta phải chịu số phận của 100 năm thuộc địa cho chủ nghĩa thực dân – đế quốc. Vậy trong cuộc cách mạng 4.0, cách mạng AI, thì dân tộc ta sẽ như thế nào? Đây là câu hỏi rất lớn, mà hy vọng thế hệ lãnh đạo vừa được chuyển giao sẽ tìm được câu trả lời.

Chúng ta tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi, nhưng liệu nội lực chúng ta, từ thể chế đến doanh nghiệp và con người có thật sự hội tụ đủ để khai thác môi trường chiến lược thuận lợi ấy để phát triển hay không là điều cần suy nghĩ.

Lạc quan và thận trọng

Chắc hẳn có nhiều cuộc thảo luận về những thay đổi đang và sẽ diễn ra. Ông có những đánh giá như thế nào?

Thực ra, tôi ít có điều kiện để tham gia vào những cuộc thảo luận như vậy. Tuy nhiên, cảm nhận chung là khá lạc quan, mặc dù một số người lạc quan thận trọng. Bởi mọi việc diễn ra nhanh quá. Sự lựa chọn của lịch sử đến rất nhanh, cần thêm thời gian để lãnh đạo mới giới thiệu tầm nhìn của mình, thậm chí là chủ thuyết của mình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến vào các văn kiện ngày 30/08/2024. Ảnh: TTXVN

Cá nhân tôi nhìn nhận tập thể lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của chúng ta là những nhà hoạt động thực tiễn, qua thời gian công tác đã bộc lộ phần nào năng lực kỹ trị và có khát vọng.

Nhận xét ban đầu, theo thâm niên, Thủ tướng Phạm Minh Chính trải qua hơn nửa nhiệm kỳ ở vị trí lãnh đạo quốc gia rồi. Những gì diễn ra cho thấy ông toàn tâm toàn ý thúc đẩy phát triển. Ông là một nhà lãnh đạo có khát vọng. Khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, như những gì tôi biết, cảm nhận chắc hẳn ông đã nung nấu về một tầm nhìn thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Những gì ông đã thể hiện ở vai trò Bộ trưởng Công an, nhất là trong quá trình tham mưu và triển khai Đề án 06, với sự quyết liệt của toàn ngành công an trong thời gian ngắn xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho thấy rõ điều đó.

Cả thế giới đang trong cuộc cách mạng 4.0, cách mạng trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội để những quốc gia như Việt Nam có thể bứt phá. Nhà lãnh đạo quốc gia phải có nhãn quan về thời đại đó. Có thể nói, cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều có tầm nhìn về những vấn đề lớn của thời đại này.

Ngoài ra, chúng ta đang có một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có khả năng giao tiếp khá thành thạo bằng tiếng Anh. Ông có một năm học tiếng Anh ở Australia, và tôi chứng kiến ông sử dụng ngôn ngữ đó khá tự nhiên, với người Mỹ.

Tiếng Anh là công cụ rất tốt để hiểu biết về thế giới, về tri thức quản trị quốc gia hiện đại. Và thêm nữa, hình ảnh ông lái xe điện Vinfast chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, cũng cho thấy ông thuộc thế hệ lãnh đạo của thời hiện đại.

Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo kỹ trị mà còn là một chính khách tài ba trong việc thúc đẩy công việc, quyết đáp để hiện thực hóa các kế hoạch, ý tưởng của mình.

Từ việc tổ chức, sắp xếp lại toàn bộ ngành công an, không còn mô hình các Tổng cục nữa, để tất cả theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, huy động toàn ngành vào thu thập dữ liệu dân cư ở nhiệm kỳ trước, đến thúc đẩy để hàng loạt dự luật liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự được đưa vào nghị trình Quốc hội, cũng như vai trò của ông trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động… tất cả cho thấy rõ phẩm chất đó.

Sự trì trệ của hệ thống và hi vọng hành động cho Đổi mới

Trở lại vấn đề thời đại. Bối cảnh đất nước hiện nay so với giai đoạn trước Đại hội VI, ông nhìn nhận các nhà lãnh đạo chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Nếu Đại hội VI diễn ra trong bối cảnh Đảng ta phải đối diện những bài toán cơ bản về đời sống của người dân như lương thực, thực phẩm thì hiện tại, chúng ta đang phải đau đầu với sự trì trệ của hệ thống.

Đầu nhiệm kỳ, năm 2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14, rồi Chính phủ thể chế hóa bằng Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhưng có thể nói đến giờ nhìn đâu cũng vẫn thấy trì trệ…

Chúng ta đang ở thời đại cách mạng 4.0, không còn là câu chuyện “cá lớn nuốt cá bé”, mà là “cá nhanh nuốt con cá chậm”. Vậy nhưng, chúng ta đang chứng kiến việc ra quyết định của các cấp, các ngành rất chậm chạp với tâm lý đùn đẩy, né tránh.

Vậy các nhà lãnh đạo của chúng ta nên phản ứng thế nào trước thách thức ấy, thưa ông?

Có rất nhiều việc phải làm, cả trước mắt và lâu dài.

Với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tôi thấy có tín hiệu mới từ quan điểm của ông khi lần đầu tiên chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cách đây 2 tuần. Trong 3 nội dung mà ông nhấn mạnh thì đầu tiên là phòng, chống tham nhũng tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, không vì đẩy mạnh công cuộc này mà cản trở sự phát triển.

Tôi cho rằng đây là định hướng chiến lược rất đúng đắn! Chúng ta phải có giải pháp cụ thể để bảo đảm an toàn pháp lý cho đội ngũ cán bộ công chức các cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang quyết liệt chỉ đạo rà soát, xử lý những bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đang tích cực vào cuộc nhịp nhàng để cùng Chính phủ giải quyết vấn đề này.

Nhưng cùng với việc xử lý những tồn tại cụ thể như vậy thì phải tiếp tục cải tiến quy trình xây dựng pháp luật, trong đó cần ưu tiên cao cho giai đoạn hoạch định chính sách. Chúng ta cần chuẩn bị về mặt chính sách thật tốt rồi hẵng bắt tay vào làm luật, sửa luật. Bởi nếu không thì tình trạng chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật rồi sẽ xuất hiện trở lại, lặp đi lặp lại. Ngoài ra, những vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp, kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được quan tâm xử lý.

Chúng ta cần coi trọng và đề cao vai trò của các cơ quan vận hành thể chế, nhất là trong các lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, đất đai. Ảnh: Hoàng Hà

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, ách tắc, trì trệ của bộ máy không chỉ do các đạo luật, mà nguyên nhân phần nhiều nằm trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, cũng như trong việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Chúng ta cần coi trọng và đề cao vai trò của các cơ quan vận hành thể chế, nhất là trong các lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, đất đai… Khi các địa phương, bộ ngành cần được hướng dẫn để triển khai công việc, thì các cơ quan này phải hướng dẫn ngay, và phải được coi là những ý kiến có uy tín nhất về mặt chuyên môn. Các ý kiến này không thể bị thách thức bởi thanh tra, kiểm tra, mà chỉ có thể bác bỏ thông qua thủ tục tố tụng.

Chứ như hiện nay, sự trì trệ còn bắt nguồn từ thực tế chẳng biết thế nào là đúng để làm, thế nào là sai để tránh.

Dân tộc khát khao một ngọn cờ dẫn dắt Đổi mới

Đổi mới đã được nhen nhóm từ nhiệm kỳ Đại hội V, nhưng phải khi Tổng Bí thư Trường Chinh nhận nhiệm vụ, ông quyết định viết lại báo cáo chính trị trình Đại hội VI theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thì chúng ta mới bước vào thời kỳ Đổi mới. Vậy ông kỳ vọng gì ở giai đoạn này, khi các tiểu ban quan trong chuẩn bị cho Đại hội XIV hẳn đang rất bận rộn? 

Chúng ta chưa rõ hình hài dự thảo văn kiện Đại hội XIV. Nhưng ở nước ta, những vấn đề chiến lược của 5 năm tới, thậm chí tầm nhìn 10 năm và xa hơn hẳn là nằm ở văn kiện này.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Tôi tin là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và quyết tâm Đổi mới thì chúng ta sẽ nhận thức được thời cuộc”. Ảnh: Hoàng Hà

Về tiến độ thì khác với khóa XII, công tác chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội XIV được BCH Trung ương khóa XIII đẩy lên sớm hơn. Ở khóa XII, đến Hội nghị Trung ương 10 mới thảo luận đề cương các báo cáo thì ở khóa XIII này đã được đưa ra bàn ở Hội nghị Trung ương 9.

Được xới xáo sớm như thế thì sẽ rất thuận lợi cho Tổng Bí thư Tô Lâm, trong cương vị Trưởng Tiểu ban Văn kiện, rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị cũng như huy động thêm nhân lực, chuyên gia để tham mưu thêm về phương hướng tiếp cận, giải quyết các vấn đề mà thời cuộc đang đặt ra.

Tôi tin là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và quyết tâm Đổi mới thì chúng ta sẽ nhận thức được thời cuộc, nhận diện những vấn đề đang mắc phải và ắt có giải pháp để vượt qua.

Khát vọng của Đại hội VI là vượt qua khủng hoảng. Khát vọng của Đại hội XIII, thể hiện rõ trong chủ đề là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, và tôi nghĩ vẫn đúng với Đại hội XIV tới: Khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/ts-nguyen-si-dung-ky-vong-hanh-dong-cho-cong-cuoc-doi-moi-2317794.html