Chiêu trò lừa đảo du lịch giá rẻ không mới, song bước vào mùa cao điểm, nhiều đối tượng đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn về du lịch giá rẻ thông qua các chiêu trò hết sức tinh vi trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đã có những trường hợp vì mất cảnh giác mà trở thành nạn nhân của những chiêu lừa này.
Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội được tổ chức vào tháng 4 hàng năm – cơ hội để du khách “săn” dịch vụ du lịch giá rẻ vào mùa cao điểm.
Xung quanh vấn đề về du lịch giá rẻ mùa cao điểm, đại diện một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cho rằng, phát triển du lịch trong tình hình mới, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đều tham gia vào các chuỗi liên kết, theo đó các mức giá đưa ra giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ không thể chênh lệch quá lớn. Ở đây, nếu là các đơn vị uy tín, sự chênh lệch về giá cả sẽ tương đương với chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, đánh trúng tâm lý “ham rẻ” của một bộ phận du khách hoặc do thiếu kiến thức về du lịch, trước và trong thời gian “cao điểm” trên mạng xã hội rất nhiều chương trình giảm giá, khiến khách hàng lạc vào “ma trận”, từ đó dễ bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi.
Bà Lê Thị Hải, Giám đốc Công ty CP Quốc tế du lịch Xanh (TP Thanh Hóa) nhận định: “Tour du lịch giá rẻ hay vé máy bay giá rẻ là có thật, các đơn vị lữ hành hay các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống và cả các hãng hàng không cũng tung ra khá nhiều chương trình kích cầu giá rẻ, nhưng chương trình này chủ yếu tập trung vào thời gian thấp điểm. Đối với mùa cao điểm, du khách có thể “săn sale” tại Hội chợ du lịch VITM quốc tế Hà Nội được tổ chức vào tháng 4 hàng năm. Tại đây, một số đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tung ra thị trường các voucher ưu đãi dành cho khách lẻ hoặc doanh nghiệp đối tác. Còn bây giờ, tất cả mọi dịch vụ đều tăng, thậm chí dịp hè các khu, điểm du lịch công suất đặt phòng lên tới 80 – 90% mà mọi người vẫn nghĩ rằng vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, tới các điểm du lịch “hot”, di chuyển bằng đường hàng không, cộng với khách sạn 3 – 5 sao… mà giảm giá từ 30 – 50% chắc chắn không có và mức giá đưa ra giữa các đơn vị lữ hành không thể chênh lệch quá nhiều. Vì vậy khách hàng cần hết sức cảnh giác”.
Cũng theo bà Lê Thị Hải, một số đối tượng sử dụng thủ đoạn copy website của những công ty du lịch uy tín nhưng khác một vài ký tự tên miền và đặt máy chủ nước ngoài nên nếu khách hàng không để ý thì sẽ rất dễ bị lừa. Cá biệt, nhiều kẻ xấu còn chạy thành công một số sản phẩm để lấy danh tiếng, sau đó mới biến mất khi đã lừa được số tiền lớn.
Còn theo ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch quốc tế Long Hải (TP Thanh Hóa) cho biết: Hiện nay có hai kiểu lừa đảo: Thứ nhất, lừa đảo khách hàng mua xong thì người bán biến mất và khách hàng không hề nhận được bất kỳ dịch vụ nào. Thứ hai, là vẫn có dịch vụ nhưng chất lượng kém không như quảng cáo. Chẳng hạn như khách sạn, villa, du thuyền khi đối tượng lừa đảo bán hàng thì quảng cáo 5 sao nhưng thực tế chỉ từ 2 – 3 sao. Tour du lịch thì cắt hết các điểm chính (có mất phí tham quan) và đưa du khách đến những điểm du lịch miễn phí, đồ ăn kém và bắt khách vào điểm mua sắm bắt buộc để lừa mua hàng giả, hàng kém chất lượng…
Trước thực trạng nói trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ về lịch trình của tour du lịch, đặc biệt là những tour khuyến mãi, giảm giá “sốc”. Trước khi đăng ký tour, người tiêu dùng cần yêu cầu công ty cung cấp chi tiết các nội dung liên quan như thời gian, phương tiện di chuyển, các địa điểm tham quan cụ thể, khách sạn, tiêu chuẩn bữa ăn, bảo hiểm du lịch… Đặc biệt, nên chọn dịch vụ của những công ty, đại lý uy tín để tránh bị lừa đảo và có thể trao đổi thông tin, phản ánh về chất lượng dịch vụ khi cần thiết.
Mới đây Bộ Công an cũng đã phát đi cảnh báo một số phương thức lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường xuyên sử dụng như: đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng internet và mạng xã hội với các tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30 – 50% giá trị để chiếm đoạt tiền đặt cọc. Hoặc làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch…
Để tránh bị lừa đảo, Bộ Công an lưu ý người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch. Đối với các trang mạng xã hội (fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Bài và ảnh: Lê Anh