Mặt trận Việt Minh: Khi muôn người như một
Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào tháng 5/1941, tại Pác Bó. Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh (Việt Minh) để đoàn kết dân tộc chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các hình thức và tên gọi khác nhau, thời kỳ Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng Minh từ năm 1941 – 1951) là một mốc son chói lọi với đỉnh cao là khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8, tiến tới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
Ông Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa trông rộng, chuẩn bị sẵn để Mặt trận Việt Minh giữ vai trò quyết định cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 trong bối cảnh Đảng mới chỉ có 5.000 đảng viên vào thời điểm đó. (Xem chi tiết)
Niềm vui bên những ngôi nhà ấm áp tình thương
Những ngôi nhà tình thương hình thành từ những sẻ chia ấm áp nghĩa tình đã mang lại niềm vui an cư cho người nghèo trong tỉnh Bạc Liêu.
Cũng như bao hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn, gia đình chị Danh Thị Hồng Loan ở ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu luôn ao ước có được một ngôi nhà chắc chắn, bền vững. Vợ chồng chị Loan ra ở riêng chỉ có 2 công đất rẫy, phần con đông và còn nhỏ nên chị phải ở nhà chăm lo. Chồng chị Loan làm lao động tự do nên kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Ước mơ đó giờ đã trở thành hiện thực khi gia đình chị Loan được UBMTTQ tỉnh Bạc Liêu kêu gọi các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ, hỗ trợ giúp đỡ một phần kinh phí, chính quyền, đoàn thể, bà con ấp xóm, giúp ngày công làm nhà mới. (Xem chi tiết)
Thái Nguyên đầu tư gần 2.000 tỷ đồng đảm bảo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Đây là nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định 1719 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có trên 384.000 người dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số. Trong số hơn 50 dân tộc thiểu số có người đang sinh sống, làm việc tại Thái Nguyên thì 9 dân tộc có trên 2.000 người (Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Mường, Thái, Hoa).
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Chương trình 1719, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thái Nguyên cân đối gần 2.000 tỷ đồng. Đây là nguồn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện. (Xem chi tiết)
Nguồn: https://daidoanket.vn/ban-tin-mat-tran-sang-2-9-10289201.html